Sáng 28.8, tại Hà Nội, ngành Tư pháp đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 3, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã tới dự.
|
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 48/NQ - TƯ của Bộ Chính trị, ngành Tư pháp đã tăng cường công tác tham mưu cho Chính phủ trình QH ban hành Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ của QH và hàng năm; tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hành năm của Chính phủ, đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện các Chương trình xây dựng pháp luật theo kế hoạch; đồng thời trực tiếp chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thẩm định hầu hết các văn bản luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật, ngành Tư pháp cũng đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; công tác trợ giúp pháp lý; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và đăng ký giao dịch bảo đảm; luật sư và tư vấn luật…
Tại Đại hội, ngành Tư pháp đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác thi đua của ngành như thể chế công tác thi đua, khen thưởng chậm được bổ sung, sửa đổi; nội dung, phương pháp tổ chức phong trào thi đua chưa được đổi mới một cách có hiệu quả; một số đơn vị tổ chức phong trào thi đua còn mang tính hình thức… Cũng tại Đại hội, ngành Tư pháp đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2010 - 2015 với khẩu hiệu xây dựng ngành trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, năng động, sáng tạo và đổi mới, hết lòng phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Phát biểu tại Đại hội, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị ngành Tư pháp cần phân tích sâu sắc, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế, rút ra bài học và đề ra giải pháp khắc phục để đưa công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới đạt kết quả cao hơn. Phó chủ tịch QH nhấn mạnh, để đáp ứng được đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, ngành Tư pháp cần tập trung các nội dung trong thời gian tới như: đầu tư hơn nữa cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là về các vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, chính quyền địa phương theo dõi tình hình chấp hành pháp luật nói chung, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu các vi phạm pháp luật…; quan tâm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, chú trọng kiện toàn tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc…