Các đại biểu đã thảo luận về vị trí, vai trò và hoạt động của các Ủy ban của QH; những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoạt động của các Ủy ban của QH đang đặt ra trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban của QH... Các Ủy ban của QH là trụ cột chính trong toàn bộ hoạt động của QH. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện nay, Hội đồng dân tộc và 9 Ủy ban của QH đang phải phụ trách quá nhiều lĩnh vực, tính chuyên trách của từng Ủy ban còn hạn chế. Có Ủy ban phụ trách theo lĩnh vực hoặc theo vấn đề; có Ủy ban vừa phụ trách theo đối tượng vừa phụ trách theo lĩnh vực; có Ủy ban phụ trách theo cả đối tượng và địa bàn... Mặt khác, số lượng các Ủy ban của QH còn ít, khó có thể bao quát tất cả các mảng hoạt động của QH. Các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu thành lập thêm các Ủy ban theo hướng mỗi Ủy ban chỉ nên chuyên trách một hoặc vài lĩnh vực nhất định.
Một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban đã được luật quy định cụ thể hơn, song tính độc lập trong hoạt động của các Ủy ban còn hạn chế. Kết luận giám sát của các Ủy ban vẫn chỉ là kết luận kiến nghị đối với chủ thể giám sát chứ không có hiệu lực thi hành... Do đó, cần quy định đầy đủ về quyền hạn và cơ chế thực hiện các hoạt động cụ thể của các Ủy ban của QH theo hướng độc lập hơn, các kết luận của các Ủy ban cần có tính hiệu lực pháp lý nhất định. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp của các Ủy ban của QH, nên gắn việc thực hiện chức năng lập pháp với việc thực hiện chức năng giám sát. Bởi lâu nay, hai chức năng này vẫn được thực hiện khá độc lập với nhau. Nếu kết hợp được hoạt động giám sát với hoạt động thẩm tra và phục vụ cho hoạt động thẩm tra các dự án luật thì việc thẩm tra dự án luật chắc chắn sẽ có cơ sở thực tiễn thuyết phục hơn...