Ngày 21.8, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và dự án Luật Khiếu nại.
Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố Tụng dân sự sửa đổi 73 điều, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 10 điều. Dự thảo Luật có nhiều nội dung mới như: đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án; xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục đơn giản; thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác; công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; nguyên tắc bảo đảm quyền tranh tụng; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng... Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật thì không còn giới hạn ở việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự mà đã thay đổi gần như toàn diện Bộ luật này. Tuy nhiên, trong khi chưa sửa đổi Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì cũng chưa thể sửa đổi toàn diện Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, hiện nay chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa án lệ vào công tác xét xử của Tòa án; áp dụng thủ tục xét xử đơn giản; công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; quyền chỉ định lập Hội đồng xét xử... Bởi đến nay án lệ chưa được công nhận là một trong các nguồn luật để áp dụng trong hoạt động xét xử tại nước ta. Ngoài ra, việc áp dụng tố tụng đơn giản, công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; chỉ định thành lập Hội đồng xét xử... đều thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phối hợp để chọn lựa đưa vào dự thảo Luật những vấn đề đã được xác định rõ ràng; có đủ căn cứ về lý luận và thực tiễn; không mâu thuẫn với Hiến pháp năm 1992, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Tờ trình dự án Luật Khiếu nại do Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Thanh Hào trình bày, nêu rõ: quá trình triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như các quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, diễn ra gay gắt, có đông người tham gia chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời; việc thực hiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa nghiêm, dẫn tới hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu nại chưa cao... Vì vậy, việc xây dựng Luật Khiếu nại là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại hiện nay.
Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, dự thảo Luật quy định cơ chế giải quyết khiếu nại một lần thay vì hai giai đoạn giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Theo đó việc giải quyết khiếu nại lần đầu được thay thế bằng trách nhiệm xem xét lại của người bị khiếu nại (nhưng không được coi là việc giải quyết khiếu nại) và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai được giao cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị khiếu nại. Quy định này nhằm khắc phục sự thiếu khách quan, công bằng của Luật Khiếu nại, tố cáo là người có quyết định, hành vi hành chính cũng là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khiếu nại do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày cho rằng, dự thảo Luật quy định việc xem xét lại và việc giải quyết khiếu nại tuy có một số điểm mới và chi tiết hơn về trình tự, thủ tục nhưng về bản chất vẫn là cơ chế giải quyết khiếu nại hiện hành, thay vì gọi việc giải quyết khiếu nại lần đầu thì dự thảo Luật quy định là lần xem xét lại và việc giải quyết khiếu nại lần hai bằng giải quyết khiếu nại. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu vẫn duy trì một cơ chế giải quyết khiếu nại đã tồn tại trên hơn 30 năm nhưng không có hiệu quả thì sẽ không đạt được mục đích khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước như đã nêu trong Nghị quyết 30 của QH, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết QH là “xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết các khiếu kiện hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, nên cân nhắc việc sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và chưa nên trình ra QH dự án Luật Khiếu nại.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, theo nhiều Ủy viên UBTVQH, yêu cầu tiên quyết khi xây dựng dự án Luật Khiếu nại là phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại hiện hành như: đơn thư lòng vòng, một đơn thư nhiều cơ quan giải quyết; việc giải quyết chậm, không dứt điểm, đơn thư vượt cấp... nhưng nội dung của dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại khi được ban hành có thể xem là đạo luật gốc điều chỉnh các khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật cần điều chỉnh tất cả các khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp, trừ khiếu nại trong tố tụng tư pháp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển, các vụ việc khiếu nại có xu hướng ngày càng phức tạp, làm cho quá trình giải quyết khiếu nại gặp khó khăn. Một bộ phận người dân không chấp nhận kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu và tiếp tục khiếu nại lên cơ quan cấp trên, thậm chí lên Trung ương nhưng cấp trên không giải quyết được lại trả về địa phương. Đây chính là một vòng luẩn quẩn nên nhiều vụ việc không giải quyết dứt điểm được. Vì vậy, khi người dân không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu thì nên chuyển sang tòa hành chính giải quyết để giảm bớt khối lượng công việc cho cơ quan hành chính các cấp. Đồng tình với ý kiến này, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, ban soạn thảo cần tiến hành tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng những vấn đề mà thực tiễn khiếu nại, giải quyết khiếu nại đã và đang đặt ra để tìm ra hướng tháo gỡ hợp lý. Mặt khác, cũng cần làm rõ cơ chế xử lý đối với những trường hợp khiếu nại trong đó có nội dung tố cáo hoặc trong khiếu nại vừa có nội dung tố cáo vừa có nội dung kiến nghị hoặc phản ánh.
P.Thủy - Hải Vân