Hiện nay, việc định giá, quyết định giá xăng dầu được điều chỉnh bởi Pháp lệnh Giá và các Nghị định của Chính phủ. Đối chiếu giữa các văn bản quy phạm pháp luật này, Ban Dân nguyện nhận thấy, có sự vênh nhau trong việc xác định thẩm quyền định giá mặt hàng xăng dầu. Theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Giá và điều 7 Nghị định 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá thì xăng dầu là một hàng hóa do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 55/2007/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 84/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55 thì, tại điều 26 Nghị định 55 và điều 27 Nghị định 84 quy định giá xăng, dầu do doanh nghiệp đầu mối quyết định dựa trên cơ sở phương pháp tính do Bộ Tài chính quy định.
Tương tự như vậy, đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo quy định của Pháp lệnh Giá, Nghị định 170/2003/NĐ- CP và Nghị định 75/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Giá về các biện pháp bình ổn giá và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá thì xăng dầu là một trong những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, trong các biện pháp bình ổn giá được quy định trong các văn bản pháp luật quy định về giá và quản lý giá thì không có quy định về biện pháp thành lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong văn bản trả lời cử tri của Bộ Tài chính, việc hình thành quỹ này căn cứ vào biện pháp sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ khi cần thiết (quy định trong Nghị định 170). Ban Dân nguyện đề nghị, Bộ Tài chính giải trình rõ, việc trích lập quỹ này có phù hợp với Pháp lệnh về giá hay không? Xét về bản chất, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích từ túi của người tiêu dùng qua các hoạt động mua xăng dầu. Vậy, việc thành lập quỹ này có gây hậu quả gì hay không? Theo giải trình của đại diện Bộ Tài chính, quỹ này có mặt tốt là khi giá xăng dầu thế giới lên cao thì người tiêu dùng trong nước vẫn được hưởng mức giá vừa phải, không quá cao như giá ở thị trường thế giới. Nói cách khác, đây được coi như một loại bảo hiểm về giá xăng dầu đối với người tiêu dùng.
Không đồng tình với cách giải trình này, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chỉ rõ, xét cả về nguyên tắc pháp lý và quan hệ mua bán hàng hóa đối với mặt hàng xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đều có vấn đề. Về nguyên tắc pháp lý, Nghị định không được trái với Pháp lệnh và Thông tư không được trái Nghị định… Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng dầu cần nghiêm túc hơn nữa trong việc xem xét, áp dụng và ban hành các Nghị định, Thông tư hướáng dẫn thi hành pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cân bằng giữa lợi ích của người dân – doanh nghiệp – Nhà nước trong quản lý nhà nước về thị trường xăng dầu, giá xăng dầu và việc hình thành, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.