Theo Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự án Luật cần điều chỉnh cả hành vi mua bán người có tổ chức, mang tính chuyên nghiệp và hành vi mua bán người đơn lẻ. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, dự án Luật chỉ nên điều chỉnh các hành vi buôn bán người có tổ chức, vừa phù hợp với tên gọi của dự án Luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH vừa phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cho rằng: hành vi buôn bán người thực chất cũng là mua bán người nhưng với quy mô lớn, có tổ chức và tính chuyên nghiệp cao hơn. Nếu dự án Luật chỉ điều chỉnh các hành vi buôn bán người thì sẽ bỏ sót các hành vi mua bán người đơn lẻ mà Bộ luật Hình sự đã quy định. Do vậy, để bảo đảm tính toàn diện và triệt để trong đấu tranh, phòng chống mua bán người thì dự án Luật điều chỉnh cả hành vi mua bán người đơn lẻ và hành vi buôn bán người quy mô lớn.
Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí với quan điểm của cơ quan soạn thảo dự án Luật về phạm vi điều chỉnh. Song, cần làm rõ khái niệm mua bán người để có các biện pháp phòng, chống mua bán người hữu hiệu. Về mối tương quan giữa nội dung phòng và nội dung chống mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với quan điểm phòng ngừa là chính được thể hiện như trong dự thảo Luật nhưng nên tách bạch các biện pháp phòng và biện pháp chống mua bán người. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cũng cần rà soát, đánh giá tính thống nhất và đồng bộ giữa các quy định của dự thảo Luật với các văn bản pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người; tính hợp lý trong bố cục của dự thảo Luật...