Quốc hội cũng cho ý kiến về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế kiểm tra, kiểm soát; chuyển đổi từ viên chức sang cán bộ, công chức và ngược lại...
Các đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và nhiều đại biểu khác đều tán thành với quy định của dự thảo Luật là chỉ điều chỉnh viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Vì đội ngũ này hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao nhằm bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước và phục vụ những lợi ích chung của xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, dự thảo Luật chỉ quy định việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quyền, nghĩa vụ của viên chức, những việc viên chức không được làm. Hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Về quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội... đề nghị không tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức tại Việt Nam bởi nếu là viên chức tại Việt Nam, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Việt Nam phải là công dân Việt Nam, chịu một môi trường pháp lý của Việt Nam.
Một số đại biểu đề nghị trong trường hợp cần huy động chất xám, trí tuệ, kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức ký hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, các đại biểu Phạm Minh Tuyên, Hà Văn Hiền... đề nghị nên quy định theo hướng mở để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho đất nước. Cần quy định về công tác tuyển dụng một cách chặt chẽ với các điều kiện cụ thể, rõ ràng để kiểm soát được. Ngoài ra, nên quy định rõ những lĩnh vực nào được hay không được tuyển dụng...
Đối với quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ chế kiểm tra, kiểm soát, đa số đại biểu nhất trí ủng hộ thực hiện phương án giao thẩm quyền cho người đứng đầu.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cùng với giao thẩm quyền cần tăng cường và xây dựng được quy chế hậu kiểm thật chặt chẽ; cần phân biệt rõ trách nhiệm người đứng đầu và tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Luật cần quy định chặt chẽ hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với mỗi loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể...
Về việc chuyển đổi từ viên chức sang cán bộ, công chức và ngược lại, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về cơ chế, điều kiện, thủ tục chuyển đổi để bảo đảm sự liên thông giữa cán bộ, công chức và viên chức./.