Ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII: Thảo luận các dự án: Luật tố tụng hành chính, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

19/06/2010

* Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo

Ngày18-6, ngày làm việc thứ 25, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Buổi sáng, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính. Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên, các đại biểu tham gia thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều đại biểu QH phát biểu ý kiến, tập trung quan tâm nhiều vấn đề về: Khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án hành chính; điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính; quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm; thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính; cơ chế xử lý đối với bản án quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện sai lầm nghiêm trọng; và vai trò của Viện KSND trong tố tụng hành chính.

Ða số đại biểu đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH và Báo cáo giải trình, tiếp thu đã có chỉnh lý của Tòa án NDTC; đánh giá cao Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan đã có sự chuẩn bị công phu về dự án Luật Tố tụng hành chính. Cùng với tiến trình cải cách hành chính nhà nước, cần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, việc nâng cấp Pháp lệnh hành chính thành bộ luật hoặc luật về tố tụng hành chính là hết sức cần thiết, tạo điều kiện triển khai thực hiện đồng bộ cải cách pháp luật và cải cách tư pháp. Nội dung của dự án luật phù hợp với nội dung mà Việt Nam cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp đã được thể hiện trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Một số đại biểu cho rằng, một trong những yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Theo đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh), ngoài việc mở rộng điều kiện khởi kiện, luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ bởi cơ chế xét xử, thi hành án hành chính để người dân tin tưởng, lựa chọn việc khởi kiện hành chính, góp phần giảm tải việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân của các cơ quan hành chính hiện nay.

Liên quan điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tại Ðiều 67, phần lớn ý kiến phát biểu đồng tình với phương án của dự thảo là quy định một cơ chế để cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn là khởi kiện qua thủ tục hành chính ra cơ quan hành chính hoặc khởi kiện trực tiếp ra tòa ngay, không cần qua thủ tục cơ quan hành chính như thủ tục của Pháp lệnh hiện thời hiện hành. Về vấn đề này, đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) và một số đại biểu tán thành quan điểm trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án phải qua thủ tục khiếu nại, vì đây là sự can thiệp của cơ quan tư pháp vào hoạt động xử lý khiếu nại của cơ quan hành chính. Ðại biểu Ngô Ðức Mạnh đóng góp ý kiến về các điều kiện khởi kiện vụ án hành chính tại Ðiều 67, cho rằng, việc theo phương án loại trừ thì rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ cơ chế đối với các cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng mà các khiếu kiện hành chính như quyết định thôi việc, chấm dứt hợp đồng thì sẽ khởi kiện ở đâu? Nếu không tạo cơ sở pháp lý cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực đó có quyền khởi kiện vụ án hành chính thì không bảo đảm quyền công dân của họ. Cần tính đến phương án là giao cho một tòa án có thẩm quyền giải quyết những vụ án thuộc lĩnh vực này.

Ðại biểu Trần Văn Ðộ (An Giang) đề nghị quy định giao cho Tòa án Quân sự xét xử các khiếu kiện hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong quân đội. Bởi vì, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong quân đội có chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về quốc phòng, nên vẫn có những quyết định hành chính, những hành vi hành chính có thể bị khiếu kiện. Theo đại biểu, nếu giao khiếu kiện hành chính cho Tòa án Nhân dân xét xử thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quy định về thủ tục tố tụng, nhất là quy định nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh theo Ðiều 7 và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Ðiều 8. Trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính cũng tương tự như các vụ án hình sự, việc thu thập những chứng cứ trong đa số các trường hợp liên quan bí mật quân sự, bí mật công tác quân sự mà không phải ai, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận một cách rộng rãi. Hơn nữa, các thẩm phán Tòa án Quân sự là người hiểu biết hơn tổ chức, chức năng nhiệm vụ quân đội, sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh giá chứng cứ, phán quyết đúng đắn khách quan về vụ kiện.

Chung quanh việc thi hành án hành chính, đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay đã có Luật Thi hành án dân sự và bộ máy thi hành án dân sự tương đối đầy đủ. Do đó trong luật này cần nêu rõ việc thi hành án hành chính giao cho cơ quan thi hành án dân sự giải quyết. Như vậy, chúng ta vừa bảo đảm hiệu quả của thi hành án hành chính và không cần phát sinh thêm bộ máy cồng kềnh.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về cơ chế xử lý đối với các quyết định của tòa hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Tòa án NDTC, nhưng phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng. Theo ý kiến của một số đại biểu, trong trường hợp phát hiện sai lầm trong quyết định bản án của Tòa án gây ảnh hưởng đến quyền công dân thì bất luận ở tình trạng nào, bản án quyết định đó cũng cần được xem xét lại.

Tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hầu hết các ý kiến phát biểu đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành luật, nhằm bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng.

Các đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (Tuyên Quang), Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, do chưa có chế tài hữu hiệu nên người tiêu dùng thường phải chịu sự thua thiệt khi có tranh chấp nảy sinh trong quan hệ mua bán. Cùng với đó, số lượng và mức độ vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng có chiều hướng tăng dần. Do vậy, sự ra đời của Luật không chỉ giúp các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước mà còn giúp người dân tránh bị thua thiệt khi mua và sử dụng sản phẩm. Ðại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) băn khoăn về khả năng bảo vệ người tiêu dùng khi ban hành luật này, do những quy định còn chung chung, trùng lặp với những văn bản quy phạm pháp luật khác đã có hiệu lực. Thí dụ, thời gian qua việc cắt điện được thực hiện ở nhiều địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Những hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng như vậy sẽ được xử lý thế nào? Ðại biểu đề nghị cần có chế tài đủ mạnh và cụ thể để nâng cao tính khả thi của luật.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) và một số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh trong dự án luật chỉ nói đến trách nhiệm của tổ chức sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng mà chưa đề cập quyền của người tiêu dùng. Như vậy là chưa đầy đủ và thiếu cơ sở khi áp dụng thực tế. Cho nên, cần bổ sung quyền của người tiêu dùng vào phạm vi điều chỉnh của luật, cũng như bổ sung theo hướng tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào dự án luật. Ðại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và một số đại biểu phân tích, phạm trù người tiêu dùng rất đa dạng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo nhiều loại hình, trong khi dự luật chỉ quy định trách nhiệm của người sản xuất hàng hóa mà không đề cập rõ trách nhiệm của người bán hàng, phân phối, dịch vụ... Do đó, sẽ bỏ lọt một lượng lớn đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật. Ðặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin, dự luật cần quy định cụ thể việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, y tế...

Ðề cập những loại hình phân phối đa cấp, sử dụng công nghệ cao, đại biểu Trần Thị Hồng (Hà Nam) cho rằng, nhiều loại hình kinh doanh mới khó kiểm soát như kinh doanh đa cấp, bán hàng qua mạng in-tơ-nét đang phát triển rất mạnh, nhưng chúng ta chưa có quy định cụ thể để kiểm soát và giải quyết khi có tranh chấp phát sinh do loại hình kinh doanh này. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra quy định cụ thể về các biện pháp xử lý khi có phát sinh tranh chấp. Nhiều đại biểu lo ngại tính thực tế của luật liên quan đến căn cứ khởi kiện, cơ quan giải quyết tranh chấp, chế tài xử lý. Việc xác định cơ sở để khởi kiện, giải quyết tranh chấp dựa trên việc ký hợp đồng theo mẫu giữa người bán và người mua như trong dự án luật cũng là điều khó thực hiện.

Ðại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) và đại biểu Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) cho rằng, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thành lập từ lâu, nhưng không đủ khả năng để bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng do thiếu những chế tài cụ thể. Vì vậy, dự án luật cần xác định cụ thể địa vị pháp lý của Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xác định vị trí của tổ chức này trong hệ thống pháp lý, là tổ chức xã hội hay cơ quan nhà nước. Các đại biểu đề nghị, nên xây dựng Hiệp hội là một tổ chức xã hội, nhưng trong thời gian đầu hoạt động có thể cử cán bộ chuyên trách của các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về nghiệp vụ để từng bước nâng cao năng lực của tổ chức này. Một số đại biểu cho rằng, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có phạm vi rất rộng, liên quan nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có nhiều điều khoản đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra quy định thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện luật.

Cuối giờ chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH tiến hành xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Sau khi QH tiến hành bỏ phiếu kín phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; bầu nhân sự giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, các đại biểu QH đã thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo đối với ông Phạm Vũ Luận. 

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác