Ðây là một nội dung quan trọng tại kỳ họp này của QH, đã thu hút sự quan tâm của nhiều vị đại biểu QH và của đông đảo cử tri cả nước. Phó Chủ tịch QH NGUYỄN ÐỨC KIÊN điều khiển phiên họp phát biểu ý kiến kết thúc thảo luận nội dung quan trọng này. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những ý kiến kết luận nói trên.
Tại kỳ họp này, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội về Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. Tôi xin có một số ý kiến để kết thúc thảo luận về vấn đề này.
Thứ nhất, với nhận thức sâu sắc Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ cũng như tại Hội trường, với ý thức xây dựng rất cao, rất trách nhiệm, nhiều ý kiến xác đáng, rất cần sự nghiên cứu thấu đáo, cân nhắc kỹ càng khi quyết định chính thức về đồ án quy hoạch này.
Thứ hai, tuy cũng còn có ý kiến này, ý kiến khác nhau về một số vấn đề cụ thể nhưng xét tổng thể chung nhất, khái quát nhất thì các vị đại biểu Quốc hội đồng ý với đồ án, sau khi đồ án chung được duyệt sẽ phải tiến hành quy hoạch các bước tiếp theo đó là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Trong quá trình quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì các đại biểu cũng lưu ý khi hình thành các khu đô thị mới thì rất quan tâm và quan tâm đúng mức đến chỉnh trang các khu đô thị cũ trên địa bàn Thủ đô.
Thứ ba, về định hướng mục tiêu và tầm nhìn thì qua ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cũng lưu ý đề nghị xác định rõ hơn, chuẩn xác hơn và thực tiễn hơn với thời gian dài hơi hơn. Thí dụ mục tiêu có đề cập đến xây dựng một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, cũng nên xem kỹ những khái niệm này có khoảng nào chồng lên nhau. Tuy nhiên, mỗi khái niệm cũng mang nội hàm có ý nghĩa riêng của nó, rồi trật tự ra làm sao, có thêm một ý tứ mang sắc thái truyền thống dân tộc hay không, v.v. xoay quanh vấn đề này cũng suy nghĩ thêm.
Thứ tư, các đại biểu Quốc hội đều nhận thức rằng, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia tại khu Ba Ðình không có nghĩa là trụ sở của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có trụ sở của các bộ, ngành đổ dồn hết vào khu vực này. Mà có trụ sở của bộ, ngành ở gần cũng có trụ sở của bộ, ngành ở xa hơn, nhưng nhìn chung thì cũng vẫn nên ở trong trung tâm đô thị hạt nhân. Có đại biểu Quốc hội lưu ý nghiên cứu thêm khu Tây Hồ Tây và khu Mỹ Ðình chẳng hạn để đặt trụ sở của các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu không gian phát triển các hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội sao cho hợp lý hơn trong điều kiện Thủ đô Hà Nội đã mở rộng, gắn kết được với yêu cầu phát triển giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, giữa Hà Nội với các tỉnh chung quanh được coi là vùng Thủ đô.
Thứ sáu, các ý kiến cho rằng, quy hoạch phải có đất dự trữ cho mai sau và dự trữ cho nhiều mục tiêu, đất dự trữ đó dùng để làm gì cũng nên cân nhắc để hạn chế những tác động tiêu cực và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Thứ bảy, đối với hệ thống giao thông, các ý kiến lưu ý cần phải xem xét quan hệ có tính hệ thống về hiệu quả kinh tế - xã hội để đồ án có tính khả thi cao. Hiện tại đã có các đường vành đai từ 1 đến 5, các đường hướng tâm, trong đó có đường trục Láng - Hòa Lạc, một số đường quốc lộ như đường 32, đường 6, đường 1, đường 5 và trục đường bắc - nam, cần cân nhắc sự cần thiết của trục đường Thăng Long.
Thứ tám, quy hoạch sẽ được tiến hành trong một thời gian dài và có lộ trình thực hiện là đương nhiên, để cho quy hoạch thực hiện theo đúng như quy hoạch được duyệt thì phải sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách và biện pháp để quản lý thực hiện đúng quy hoạch.
Thứ chín, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn nhân dân ở các vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng các hình thức khác nhau và thực hiện công khai dự kiến đồ án quy hoạch bằng các hình thức hợp lý.
Thứ mười, đại biểu Quốc hội đã hoặc chưa có điều kiện phát biểu tại tổ và Hội trường thì tiếp tục nghiên cứu có ý kiến và gửi ý kiến tham gia cho các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ để tiếp tục nghiên cứu.
Thứ mười một, quy hoạch chung và các quy hoạch tiếp theo phải thực hiện đúng quy trình của pháp luật đã quy định.
Thứ mười hai, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cập nhật thêm ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chưa có điều kiện phát biểu hoặc phát biểu ý kiến bổ sung sẽ gửi tới Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu và hoàn chỉnh đồ án.