Chưa quy định về thuế đối với nhà ở
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nêu rõ việc thu thuế đối với nhà, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì lý do qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao.
Hơn nữa, khi nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn người dân.
Ngoài ra, nhiều nước có nền kinh tế phát triển cũng chưa đưa nhà vào diện chịu thuế. Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là góp phần hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế, giá trị nhà ở gắn liền với giá trị đất và thực chất, về cơ bản vẫn là đầu cơ đất.
Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc áp dụng công cụ thuế để điều tiết đối với thị trường nhà, đất là cần thiết nhưng chỉ có thể góp phần làm hạn chế đầu cơ. Việc chống đầu cơ nhà, đất cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó có thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Xuất phát từ lý do trên, đồng thời thống nhất với ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất.
Về diện tích đất chịu thuế, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên quy định việc thu thuế đối với đất lấn, chiếm vì việc thu thuế có thể là hình thức công nhận tính hợp pháp của đất lấn, chiếm, dẫn đến không chặt chẽ trong quản lý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trên thực tế, tình trạng lấn, chiếm đất vẫn đang xảy ra. Một số trường hợp diện tích đất lấn, chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Nhà nước vẫn đang thu thuế đối với toàn bộ diện tích đất sử dụng thực tế, kể cả đối với đất lấn, chiếm mà không phụ thuộc vào việc toàn bộ diện tích đất đó có ghi trong giấy chứng nhận hay không. Vì vậy, để quy định của luật phù hợp thực tiễn, mang tính kế thừa các quy định hiện hành, tránh sơ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thống nhất theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; khẳng định rõ việc thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích này; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi lấn, chiếm.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012
Ưu đãi đối với cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại địa bàn khó khăn
Giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về nguyên tắc hoạt động bưu chính (Điều 4) và chính sách của Nhà nước về bưu chính (Điều 5), có ý kiến đề nghị nên gộp quy định về nguyên tắc hoạt động bưu chính (Điều 4) và quy định về nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích (Điều 32) thành một điều chung.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng theo Điều 3 (giải thích từ ngữ) của dự thảo Luật, hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích và tem bưu chính. Như vậy, hoạt động bưu chính công ích là một trong những hình thức hoạt động bưu chính nói chung. Việc quy định nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích tại Điều 32 dự thảo Luật sẽ nhằm xác định rõ hơn một số nguyên tắc mang tính đặc thù của hoạt động bưu chính công ích. Về đề nghị làm rõ chính sách ưu đãi được quy định tại khoản 5, Điều 5 và cơ chế hỗ trợ khác quy định tại Điều 34, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nêu trên, khoản 4 Điều 34 và khoản 2 Điều 45 của dự thảo Luật (Điều 32 và Điều 44 dự thảo Luật mới) đã được chỉnh sửa theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình giảm dần và thời điểm kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng; quy định cơ chế ưu đãi đối với việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Một số dịch vụ bưu chính phục vụ yêu cầu quốc phòng, an ninh và các hoạt động bưu chính đặc thù khác sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp quy định tại văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với tinh thần phát triển đất nước và yêu cầu của công tác quản lý.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Cụ thể hóa nội dung, nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Báo cáo về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giải thích về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn nữa nội dung, nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; không quy định tại khoản 6 Điều 5 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 4 và Điều 5 của dự thảo Luật mới đã được chỉnh sửa, sắp xếp lại để quy định những nội dung có tính bao quát nhất, còn các nội dung cụ thể sẽ được thể hiện ở các chương, điều của Luật, các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự thảo luật mới đã bỏ khoản 6 Điều 5.
Việc ban hành, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này thuộc thẩm quyền và do Thủ tướng Chính phủ quyết định để đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật giải thích đối với quy định trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật (Điều 15), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định giao trách nhiệm cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở cấp xã là dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành chính sách bảo trợ xã hội trong nhiều năm qua.
Theo tiêu chí xác định mức độ khuyết tật như quy định tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật, những trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng có thể xác định được bằng phương pháp quan sát trực tiếp và Hội đồng ở cấp xã có thể đảm nhận được trách nhiệm này.
Để giải quyết những khiếu nại của người khuyết tật, dự thảo Luật quy định việc xác định lại mức độ khuyết tật theo yêu cầu của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của họ, việc xác định này do Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15.
Hiện nay Hội đồng giám định y khoa chỉ được thành lập ở cấp tỉnh, nên việc quy định sử dụng của hai phương pháp thực chứng và giám định y khoa trong những trường hợp khác nhau là phù hợp. Do vậy, ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo.
Về vấn đề chăm sóc sức khỏe (chương III) tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định về việc khám sức khỏe định kỳ. Đối với việc lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là quy định cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật được khám, chữa bệnh kịp thời, giúp ngăn ngừa tình trạng khuyết tật nhẹ trở thành khuyết tật nặng...
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Tạo hành lang pháp lý cho việc nuôi con nuôi
Về dự thảo Luật nuôi con nuôi, có ý kiến đề nghị cần xem lại phạm vi điều chỉnh (Điều 1) vì trong dự thảo chưa quy định đầy đủ về vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo dự thảo Luật được thiết kế theo hướng chỉ quy định các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục cho, nhận con nuôi (các điều 11, 23, 26, 39...) còn các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phụng dưỡng, thừa kế... được dẫn chiếu áp dụng các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ Luật dân sự và các quyết định khác của pháp luật có liên quan.
Về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi, có ý kiến đề nghị bổ sung vào điều này nguyên tắc việc chấm dứt nuôi con nuôi chỉ đặt ra khi con nuôi đã thành niên, vì mục đích của việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ gia đình bền vững, lâu dài, vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em được nhận làm con nuôi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi. Việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi được quy định tại các điều 25, 26, 27 của dự thảo Luật. Hơn nữa việc chấm dứt nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên chỉ nên coi là một trong những điều kiện mà không nên đặt thành nguyên tắc.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho không bổ sung nội dung này vào Điều 4.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011./.