Không có việc "Trung tâm hành chính Quốc gia chuyển lên Ba Vì"
Mở đầu phiên họp, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày Báo cáo bổ sung của Chính phủ về "Một số nội dung Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Báo cáo cho biết: Ngày 2-6, Chính phủ đã báo cáo trước QH nội dung tóm tắt Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" (gọi tắt là Quy hoạch chung). Nhiều vấn đề của đồ án Quy hoạch chung đã được các đại biểu thảo luận tại các tổ. Nhìn chung, các ý kiến của các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của Quy hoạch chung nhằm xây dựng và phát triển Hà Nội xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến băn khoăn, chưa đồng tình về một số vấn đề như: tính kế thừa các quy hoạch, về định hướng phát triển không gian, về dự báo phát triển một số chỉ tiêu trong tương lai, về tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt... Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng và UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu liên danh tư vấn nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu QH. Trong phạm vi báo cáo đã gửi tới QH chưa có điều kiện để cung cấp đầy đủ các nội dung, thông tin tới các đại biểu. Ðể làm rõ hơn một số vấn đề như các ý kiến đã nêu, xin báo cáo bổ sung với QH một số nội dung sau: Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức tuyển chọn tư vấn quốc tế lập Quy hoạch chung. Bộ Xây dựng đã nhận được hồ sơ đăng ký của 12 đơn vị tư vấn quốc tế. Hội đồng tuyển chọn tư vấn đã làm việc thận trọng đánh giá qua ba vòng trên cơ sở các tiêu chí: năng lực của tổ chức, chất lượng chuyên gia, ý tưởng đề xuất quy hoạch ban đầu, phương thức thực hiện và kinh phí đề xuất. Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Mỹ-Hàn Quốc) hội tụ đủ các tiêu chí nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hai tổ chức tư vấn trong nước là hai tư vấn hàng đầu trong nước và Hà Nội được chỉ định cùng Liên danh tư vấn quốc tế thực hiện đồ án. Bộ Xây dựng đã tuyển chọn hai tổ chức tư vấn phản biện quốc tế có kinh nghiệm. Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội đã được HÐND thành phố Hà Nội thông qua, khẳng định việc phát triển kinh tế Thủ đô tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp ở trình độ tiên tiến. Hà Nội sẽ phát triển nền kinh tế tri thức, với các sản phẩm chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao và phương thức quản lý kinh tế hiện đại... Ðó là những động lực cơ bản để phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Việc phân bố dân cư đô thị thực hiện trên quan điểm không tâp trung quá lớn vào đô thị trung tâm, giảm mật độ dân cư trong khu vực nội đô hiện nay theo lộ trình. Về đất đai phát triển đô thị, sử dụng đất xây dựng đô thị là sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế tới mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa hai vụ; triển khai quy hoạch để kiểm soát phát triển ở những vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.
Về kế thừa các quy hoạch đã có, Bộ trưởng cho biết: Từ năm 1954 đến năm 1998, Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch để phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Thủ đô trong từng giai đoạn. Ngày 20-6-1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðiều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Ngày 5-5-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dưng vùng Thủ đô Hà Nội nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển theo mô hình liên kết không gian kinh tế và đô thị của các tỉnh trong vùng Thủ đô. Ngày 1-8-2008, Hà Nội chính thức được mở rộng theo Nghị quyết số 15 của QH. Về mô hình phát triển và cấu trúc đô thị, Bộ trưởng cho rằng, Quy hoạch chung định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Phù hợp xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện nay và tương lai, kế thừa các mô hình đã nghiên cứu đề xuất tại các đồ án quy hoạch, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt trước đây. Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, có cấu trúc gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh tạo ra cơ hội đổi mới cấu trúc đô thị từ: "Ðơn cực" sang "Ða cực". Ý tưởng hành lang xanh chiếm 70% diện tích đất tự nhiên được đưa ra nhằm bảo tồn vùng nông nghiệp năng suất cao, các làng nghề truyền thống... để phát triển Thủ đô trên cơ sở bảo tồn, cân bằng và bền vững. Quy hoạch chung đã xác định được các vùng đặc trưng văn hóa cần bảo tồn và các khu vực cần kiểm soát đặc biệt.
Về thông tin "Trung tâm hành chính Quốc gia chuyển lên Ba Vì", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải trình, trong Hiến pháp, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô đã chỉ rõ: Hà Nội là Thủ đô của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là trái tim của cả nước, đầu não Chính trị-Hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Do vậy, không có khái niệm Trung tâm hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện "dời đô" như một số ý kiến còn băn khoăn đặt câu hỏi. Chắc chắn và mãi mãi Ba Ðình vẫn sẽ là "Trung tâm chính trị" của đất nước và trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Khu vực Ba Vì trong ý tưởng Quy hoạch chung lần này chỉ là nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan, công trình công cộng. Giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay phải mang tính tổng hợp, đa ngành, từ quy hoạch đến cơ chế chính sách và nhận thức của người dân. Về trục Thăng Long, Bộ trưởng cho rằng, trong Quy hoạch chung có năm trục giao thông mới được đề xuất song hành với bảy trục hướng tâm hiện hữu, để tăng cường khả năng giao thông và phục vụ năm đô thị vệ tinh về phía bắc, phía tây và phía nam. Trong đó, có một trục phát triển, cũng là một trục cảnh quan được đề xuất kết nối khu vực nội đô với Hòa Lạc-tạm gọi là trục Thăng Long. Trục Thăng Long bên cạnh chức năng nhằm giải quyết các vấn đề về giao thông và hành lang hạ tầng kỹ thuật là hết sức cần thiết, còn tạo đặc trưng và điểm nhấn về không gian kiến trúc mới cho Thủ đô. Một số ý kiến đã nêu Trục Thăng Long là "trục tâm linh hay trục hoàng đạo" là không đúng với ý tưởng của đồ án. Sau khi đồ án được duyệt, các cấp, các ngành và chính quyền đô thị cần quản lý và tổ chức thực hiện tuân thủ đúng theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Trong nội dung của đồ án Quy hoạch chung Hà Nội còn có Quy định quản lý việc thực hiện Quy hoạch chung. Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch chung đồng thời với Quy định quản lý. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội phối hợp các bộ, ngành lập Quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị sau khi hoàn thiện Quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra...
Trục Thăng Long là gì và có cần thiết xây dựng ?
Hầu hết các ý kiến của đại biểu cho rằng, Quy hoạch chung đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời cũng kiến nghị giải đáp, làm rõ thêm một số vấn đề. Ðại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đồng tình cao về sự cần thiết phải có quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và nhiều nội dung cụ thể trong đồ án quy hoạch này. Bởi Thủ đô Hà Nội là một đô thị lớn, là trái tim của cả nước, nhất là khi Hà Nội được mở rộng như hiện nay. Việc quản lý xây dựng và quy hoạch phát triển đô thị là hết sức cần thiết. Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội cũng nhằm khắc phục những bất cập trong quy hoạch cũ và khắc phục tình trạng hiện nay như: quá tải về hạ tầng và manh mún, chắp vá trong xây dựng Thủ đô. Ðại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) cho rằng, quy hoạch này cơ bản phù hợp Luật Quy hoạch đô thị và kết hợp tương đối hợp lý với quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Ðồng thời đề nghị triệt để tiết kiệm đất xây dựng và bảo vệ đất nông nghiệp, đất canh tác màu mỡ trong quá trình hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Quy hoạch chung. Về trục Thăng Long, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và một số đại biểu, đây là một trục lãng phí. Bởi vì cách mấy km đã có đường Láng - Hòa Lạc, đường 32. Những lý do Quy hoạch chung đưa ra không thuyết phục, một là để phát triển giao thông. Nói nối hai vùng văn hóa thì đường Láng - Hòa Lạc, đường 32 cũng nối hai vùng văn hóa rồi. Về tạo điểm nhấn, nếu chỉ vì điểm nhấn này mà tốn kém, thì không nên. Thêm nữa, đường này là đường cụt và nó chọc thẳng vào Ba Ðình. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (TP Hà Nội) cho rằng, đến nay có một Quy hoạch chung thể hiện tương đối rõ nét về ý tưởng kiến trúc cũng như ý tưởng khoa học và các khía cạnh khác được rất nhiều người quan tâm. Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) nhận xét, Báo cáo của Chính phủ thể hiện tất cả những gì Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện với nỗ lực to lớn, sự huy động các nguồn lực trong nước cũng như liên danh tư vấn quốc tế và tuân thủ đầy đủ quy trình pháp định để thực hiện quy hoạch này. Hội Sử học Việt Nam cũng được mời tham gia tư vấn một số nội dung có liên quan đến mục tiêu bảo vệ, phát huy di sản trong quy hoạch. Nhiều hội nghề nghiệp trong Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam cũng tổ chức những hình thức phản biện để đóng góp cho bản quy hoạch này. Theo đại biểu, tiêu chí văn hiến rất quan trọng, vì văn hiến cũng chỉ là văn minh, văn hiến chính là đặc trưng của Thủ đô, là nơi có thể sáng tạo những giá trị, là nơi quy tụ và đào tạo những nhân tài cho đất nước. Về trục Thăng Long, theo đại biểu, chính phía các liên danh tư vấn đã đưa ra ý định là xây dựng con đường làm cho con đường cảnh quan, là nương theo địa hình, tôn trọng cảnh quan và hạn chế tối đa việc đô thị hóa hai bên đường và họ cũng gắn rất chặt với quan niệm tâm linh. Cái đó cần thiết, vì tâm thức của chúng ta còn ứng xử như thế nào cho có lợi nhất, ưu việt nhất trong việc tính toán về lợi ích, về vấn đề đất đai, về vấn đề dân cư, về vấn đề tính hiệu quả và đầu tư, đây là một bài toán cần cân nhắc kỹ. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) và một số đại biểu đề nghị quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh trong đồ án này. Theo đại biểu Nguyễn Ðăng Vang, bên cạnh Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị của Bộ Xây dựng, chúng ta dựa vào hai công ty tư vấn quốc tế. Tra cứu trên mạng, thấy Công ty POSCO mới hình thành vào 1994 và thuộc Tập đoàn thép của Hàn Quốc. Công ty này chưa xây dựng một thị trấn, một thành phố nào cả, thế mà bây giờ đến đây xây dựng cho một Thủ đô, tôi e rằng kinh nghiệm của họ chưa đủ. Ðề nghị nghiên cứu lại và mời thêm các tư vấn khác nữa...
Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đồng ý xây dựng năm đô thị vệ tinh, nhưng băn khoăn về động lực nào để hình thành được năm đô thị vệ tinh trong thời gian sớm như quy hoạch, cũng chưa rõ. Ðại biểu Trần Ðình Long (Ðác Lắc) đề nghị là làm rõ Trung tâm hành chính và kinh tế của đất nước nằm ở đâu để QH biết.
Ðại biểu Nguyễn Thế Thảo (Hà Nội) báo cáo thêm trước QH rằng, TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị phối hợp cùng với Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch xây dựng chung của Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về trục Thăng Long, ở đây trước hết xác định là trục về không gian, về kiến trúc cảnh quan đô thị, một trục để thực hiện mục tiêu kép, đó là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Ðình với Ba Vì. Trong đó mục đích là để phối hợp các trục hướng tâm hiện nay của thành phố. Và trên cơ sở đó cũng để tổ chức thiết kế quy hoạch kiến trúc thành những điểm nhấn trục kiến trúc cho Hà Nội. Hà Nội có bảy trục, nhưng hiện nay để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch và của kiến trúc thì chưa có. Hà Nội vừa là đơn vị tham gia phối hợp công tác lập quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao, nhưng quan trọng nhất chính là đơn vị sẽ tiếp nhận, quản lý sau này và là chủ thể thực hiện đồ án quy hoạch sau này...
Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên nêu rõ, với nhận thức sâu sắc Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước, ý kiến của các đại biểu phát biểu tại tổ cũng như tại Hội trường mang tính xây dựng rất cao, rất trách nhiệm. Nhiều ý kiến xác đáng, rất cần sự nghiên cứu thấu đáo, cân nhắc kỹ càng khi quyết định chính thức về đồ án quy hoạch này. Sau khi đồ án chung được duyệt sẽ phải tiến hành quy hoạch các bước tiếp theo, đó là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Cần quan tâm đúng mức đến chỉnh trang các khu đô thị cũ trên địa bàn Thủ đô. Ðề nghị xác định rõ mục tiêu xây dựng một Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại và tiếp tục nghiên cứu không gian phát triển các hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội sao cho hợp lý hơn trong điều kiện Thủ đô Hà Nội đã mở rộng gắn kết được với yêu cầu giữa khu đô thị và khu nông thôn, giữa Hà Nội với vùng Thủ đô. Các ý kiến cho rằng, quy hoạch cần có đất dự trữ cho nhiều mục tiêu trong tương lai, đất dự trữ đó dùng để làm gì cũng nên cân nhắc, để hạn chế những tác động tiêu cực và gây khó khăn cho công tác quản lý. Cần cân nhắc sự cần thiết của trục đường Thăng Long. Ðể cho quy hoạch thực hiện theo đúng như quy hoạch được duyệt, cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách và biện pháp để quản lý thực hiện đúng quy hoạch. Ðồng thời tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn của nhân dân ở các vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng các hình thức khác nhau và thực hiện công khai dự kiến đồ án quy hoạch. Quy hoạch chung và các quy hoạch tiếp theo phải thực hiện đúng quy trình của pháp luật đã quy định...
Tạo điều kiện thuận lợi để viên chức làm việc, cống hiến
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Viên chức. Hầu hết các ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật này và các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật cũng như nhiều nội dung của dự án Luật này. Các đại biểu khẳng định, dự án Luật được cơ quan soạn thảo tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm. Ðây là một dự án luật quan trọng, sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhiều đại biểu QH quan tâm góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, một số ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, vì cho rằng, điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa những viên chức trong công lập và viên chức ngoài công lập là về phương diện quản lý. Ðối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điểm khác so với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo các loại hình doanh nghiệp. Việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Do vậy, khó có thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị dự thảo Luật nên quy định cả viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, bởi vì họ cũng thực hiện các công việc chuyên môn, nghiệp vụ tương tự như viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập là cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, nên cần điều chỉnh họ trong cùng một văn bản luật chung.
Ðiều 49 và Ðiều 50 của dự thảo Luật quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức. Theo đó, viên chức đã đến tuổi về hưu có thể được kéo dài thời gian làm việc. Một số ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức trong Luật này. Bởi vì, về nguyên tắc, khi đến tuổi về hưu và đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mọi viên chức đều có quyền về hưu và hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và viên chức có sức khỏe, có nguyện vọng thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng vụ, việc với đối tượng này. Như vậy, vừa bảo đảm quyền lợi của viên chức, vừa bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, sử dụng viên chức và phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật và đề nghị quy định trong Luật việc cho phép kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm như các tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư...
Về việc cho phép viên chức tham gia hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài giờ (Ðiều 12), một số đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật và cho rằng, trong điều kiện hiện nay việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Việc hạn chế viên chức trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định tham gia các hoạt động kinh doanh, hoạt động nghề nghiệp bên ngoài đơn vị sự nghiệp công lập hiện đã được quy định trong một số luật chuyên ngành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Phòng, chống tham nhũng... Do vậy, không cần thiết phải nhắc lại các quy định này trong dự thảo Luật Viên chức.