Dự thảo sửa đổi NQ66: Tranh luận về tiêu chí xác định công trình trọng điểm phải trình QH

15/06/2010

Sáng 14-6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Các đại biểu đã tập trung vào vấn đề các tiêu chí xác định dự án, công trình quan trọng.

Lấy đất trồng lúa làm dự án phải báo cáo Quốc hội

Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006, có năm tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng. Tuy nhiên, trong đó lại chưa hề đề cập đến tiêu chí về đất trồng lúa.

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) cho rằng, trong dự án công trình quan trọng quốc gia vẫn phải quy định về việc những dự án công trình sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa giới hạn mức bao nhiêu thì phải trình Quốc hội xem xét quyết định.

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện đã có 223 khu công nghiệp thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong số này có 171 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất 57.000 ha và tỷ lệ lấp đầy mới có 46%.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đác Lắc) đặt câu hỏi: “Nếu lấp đầy 100% của cả 223 khu công nghiệp thì lấy bao nhiêu đất canh tác? Tất nhiên họ không lấy đất rừng. Họ toàn lấy đất ven các quốc lộ, tỉnh lộ, tức là các đất có cấu tượng, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói là một cm thì phải 100 năm mới có được”.

Ông Nguyễn Lân Dũng đề nghị nên dừng hẳn việc lấy đất canh tác mà nên chuyển đến các vùng đất bạc màu, đất đã úng hóa ở trung du Bắc Bộ, suốt dọc miền trung. Muốn thế, phải làm đường đi lên các khu mà đất canh tác có độ phì nhiêu thấp, có đường thì các nhà đầu tư mới rời bỏ các quốc lộ, các tỉnh lộ như hiện nay, rời bỏ những “bờ xôi ruộng mật”.

Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Nghị quyết phải quy định rõ dự án đầu tư mà xâm phạm đến 200 ha đất lúa hai vụ trở lên phải báo cáo với Quốc hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (Thanh Hóa) cho biết ông cũng rất trăn trở vì hiện nay việc sử dụng đất lúa, đất nông nghiệp khá tràn lan. Trước đây chúng ta quy định rằng sử dụng năm ha đất lúa là Thủ tướng Chính phủ quy định. Nhưng sau khi bỏ quy định này đi thì tình hình diễn ra khá xấu.

“Ngay khi thảo luận quy hoạch Hà Nội ở Chính phủ, tôi có phát biểu là dự án mở rộng quy hoạch Hà Nội là lấy quá nhiều đất nông nghiệp, lấy đến 43 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó 33 nghìn ha đất trồng lúa. Tôi đã đề nghị Chính phủ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch Hà Nội để hạn chế lấy đất lúa”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng lúng túng chưa biết nên đưa quy định hạn chế lấy đất trồng lúa làm dự án vào đâu cho hợp lý, nên xem xét ở những luật khác hay đưa vào Nghị quyết này để quản lý dự án lấy đất lúa một cách đầy đủ hơn. Theo ông, cần phải cân nhắc kỹ là nên giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quản lý đất lúa.

Ngoài đất trồng lúa, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc dự thảo Nghị quyết đưa ra tiêu chí lấy 200 ha rừng đặc dụng (bao gồm vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...) và rừng phòng hộ đầu nguồn mới phải báo cáo Quốc hội là chưa hợp lý. Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) đánh giá rằng, ở một mức độ nào đó thì lại có bước lùi so với Nghị quyết 66. Trong Nghị quyết 66, chỉ cần lấy một ha hoặc một mét vuông vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên thôi cũng phải xin Quốc hội. Nhưng ở đây, lấy vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đến 200 ha mới phải xin ý kiến Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) và Nguyễn Danh (Gia Lai) cũng đề nghị xem xét lại vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và cho rằng Quốc hội nên quyết định cả những dự án lấy từ 100 ha rừng và bổ sung rừng phòng hộ vào tiêu chí cùng với rừng đặc dụng.

Quy mô dự án: để tiêu chí tuyệt đối hay lấy tỷ lệ %?

Một trong năm tiêu chí của dự thảo Nghị quyết là: quy mô tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), tiêu chí về quy mô vốn của dự án, công trình thuộc diện phải trình Quốc hội xem xét nên tính theo tỷ lệ % so với GDP hoặc ngân sách để đỡ phải điều chỉnh khi trượt giá. Khi cần bổ sung vốn cũng nên tính theo tỷ lệ % tăng thêm so với số đã duyệt.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) cũng đề xuất nên tính theo % ngân sách Nhà nước. Công trình có quy mô vốn khoảng 2% GDP, trong đó phần vốn của nhà nước chiếm khoảng 2% ngân sách thì phải trình Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, chúng ta nên lấy con số tuyệt đối, như 35.000 tỷ đồng là phù hợp. Ông phân tích: “Tiêu chí về vốn mà  tính  theo GDP thì mỗi năm một khác. Thấy trượt giá lớn, không còn phù hợp thì sửa Nghị quyết, không phải quá khó khăn. Tôi đề nghị tính theo con số tuyệt đối”. Nghị quyết 66 đã ra được bốn năm, đến giờ sửa đổi, bổ sung là phù hợp. Chúng ta tiếp tục quy định tuyệt đối rồi sau bốn đến năm năm nữa lại bổ sung. Đây là nghị quyết và có thể điều chỉnh không quá khó khăn, nên với thời gian như vậy thay đổi là hợp lý và phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thực tế phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đây cũng là ý kiến của đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): quy định theo số tuyệt đối giúp Quốc hội kiểm soát, giám sát việc đầu tư dự án dễ dàng hơn.

Nhiều đại biểu cho rằng nên hạ xuống dự án mức đầu tư 30.000 tỷ đồng là đã phải trình Quốc hội quyết định. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An), Trần Thị Quốc Khánh cho rằng trước đây chúng ta quy định là 20.000 tỷ đồng thì bây giờ chúng ta có thể đưa lên con số quy mô vốn Nhà nước là trên 20.000 tỷ đồng, có thể 30.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải đáp: Hiện nay, kinh tế phát triển, quy mô của các dự án, công trình đầu tư ngày càng lớn. Xem xét trên thực tế cho thấy, nếu cứ giữ mức 20.000 tỷ đồng thì sẽ có rất nhiều dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Các công trình thủy điện của nước ta hiện nay là Điện Long Phú, Điện Thái Bình, Điện Vũng Áng, Điện Nghi Sơn, Điện Quảng Ninh thì hầu hết đều phải trình Quốc hội vì đều vượt mức này. Nếu vậy, Quốc hội sẽ không đủ thời gian mà quyết định hết các dự án, nên Ban soạn thảo đã tính toán và đưa ra mức 35.000 tỷ đồng. Còn về việc căn cứ vào tỷ lệ phần trăm ngân sách Nhà nước và GDP sẽ rất khó thực hiện. Vì theo Luật Ngân sách, năm sau mới quyết định ngân sách năm trước nữa, tháng 7 năm nay thì mới báo cáo GDP năm trước. Như vậy, lấy con số nào, năm nào để áp vào cho hợp lý.

Dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có một trong năm tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng:

1. Quy mô tổng vốn đầu tư từ ba mươi lăm nghìn tỷ đồng Việt Nam (35.000 tỷ đồng) trở lên (theo thời giá tháng 6 năm 2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm (30%) vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình.

Các dự án, công trình được trình sau thời điểm ban hành Nghị quyết này sẽ áp dụng tính quy đổi vốn đầu tư về thời điểm tháng 6 năm 2010 theo Hệ số trượt giá. Hệ số trượt giá được xác định theo hướng dẫn của Chính phủ.

2. Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

a) Nhà máy điện hạt nhân;

b) Dự án đầu tư sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- rừng đặc dụng (bao gồm: vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học) từ hai trăm ha (200 ha) trở lên;

- rừng phòng hộ đầu nguồn từ hai trăm ha (200 ha) trở lên;

- rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ năm trăm ha (500 ha) trở lên;

- rừng sản xuất từ một nghìn ha (1.000 ha) trở lên, trừ các dự án trồng rừng, trồng cao su trên đất rừng sản xuất.

3. Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác.

4. Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia.

Chính phủ quy định tiêu chí xác định địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.

5. Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

(Theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư).

 

HỒNG VÂN

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác