Không thể làm những việc không đúng thẩm quyền

12/06/2010

Vấn đề cấp phép đầu tư cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng là vấn đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát

Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát là thành viên thứ 3 của Chính phủ tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ của buổi sáng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời và trao đổi với 25 lượt đại biểu, nội dung chất vấn có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nổi cộm là vấn đề đất đai, trong đó có vấn đề cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng; vấn đề bảo đảm cho nông dân trồng lúa có lãi…

Nhìn chung, các chất vấn đã được Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời một cách chân thành, cầu thị như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, ở một số vấn đề khó, phần trả lời của Bộ trưởng còn chưa rõ ràng, cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn để sau phiên chất vấn này có trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu.

Rút giấy phép đầu tư nếu có dấu hiệu chiếm dụng đất đai

Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát đó là vấn đề cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng. Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái), Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết việc làm này có phù hợp với pháp luật hay không và trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao khi để xảy ra sai phạm này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo các Luật Đầu tư và Luật Đất đai, việc xem xét cho thuê đất, chấp thuận dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân các tỉnh. Các Bộ chỉ có ý kiến khi địa phương yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả kiểm tra ở 2 địa phương của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, có thể thấy 2 địa phương này đã thực hiện nghiêm tục luật hiện hành, có xem xét đến các khía cạnh về kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng.

Về thông tin cho rằng các địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho diện tích trên 305.000 ha đất để trồng rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, không có nghĩa là toàn bộ diện tích đất này đã được giao cho các nhà đầu tư. Mà trên cơ sở giấy chứng nhận đầu tư, các nhà đầu tư sẽ cùng với chính quyền tiến hành khảo sát làm rõ từng khu đất cụ thể. Khu đất chỉ được giao cho nhà đầu tư khi mảnh đất đó chưa có chủ, không ảnh hưởng đến các khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong quá trình khảo sát, các địa phương đã không sát sao khi giao đất ở những khu vực đã có chủ, đã có dự án đầu tư. Những diện tích đất giao sai này sẽ phải bị thu hồi. Ủy ban Nhân dân các tỉnh có liên quan cũng phải kiểm điểm trách nhiệm của các Sở, ban ngành trong quá trình thẩm định, tham mưu đã để xảy ra sơ suất.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn được giao quản lý nhà nước về rừng; Bộ Tài nguyên-Môi trường quản lý nhà nước về đất. Tuy nhiên, trong quá trình xét cấp giấy phép đầu tư cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng, địa phương không hỏi ý kiến của Bộ. “Nếu nói là có trách nhiệm hay không thì tôi khẳng định là có, cùng với các thành viên Chính phủ khác. Tuy nhiên, tôi không thể làm những việc không đúng thẩm quyền”, Bộ trưởng Cao Đức Phát phân trần.

Thay mặt Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, Chủ nhiệm Lê Quang Bình cho biết, quan điểm của Ủy ban Quốc phòng-An ninh là đề nghị các địa phương không cấp đầu tư mới, đồng thời ưu tiên khẩn trương giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, công ty trong nước trồng rừng. Việc Chính phủ ủy quyền cho các tỉnh được ký giao đất trồng rừng, tới đây cần xem lại việc phân cấp, nếu tiếp tục giao cho địa phương cần phải kiểm tra, giám sát.

Đề cập rõ hơn hướng xử lý của Chính phủ cũng như của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về vấn đề này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định trước mắt, dừng cấp giấy phép đầu tư mới với các dự án về lâm nghiệp. Trong quá trình kiểm tra, rà soát, những dự án có quy mô vừa phải, hợp lý thì cho triển khai; những dự án có ý đồ chiếm dụng đất đai, liên quan đến quốc phòng an ninh thì nhất định phải rút giấy phép, việc này hoàn toàn có thể làm được. Hiện tại, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang kiểm tra và sẽ báo cáo Chính phủ trên tinh thần không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, vừa đảm bảo an toàn an ninh, quy hoạch phát triển rừng hợp lý.

Tiếp tục phát huy lợi thế về sản xuất lúa, gạo

Nhóm vấn đề thứ hai được các đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), Trần Thị Lộc (đoàn Bắc Kạn) cùng nhiều đại biểu khác quan tâm là lĩnh vực liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt là vấn đề bảo đảm cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30%.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ liên quan thực hiện trên tinh thần nghiêm túc và cao nhất chủ trương của Chính phủ để người dân có lãi ít nhất 30%. Đối với bà con ở đồng bằng sông Cửu Long, trung bình đã đạt được mức lãi 30%, trong vụ hè thu này, bắt đầu từ cuối tháng 6, bà con sẽ thu hoạch khoảng 10 triệu tấn, phải tiêu thụ khoảng 5,5 triệu tấn, nếu thành công trong việc thu mua đúng tiến độ, có thể sẽ giữ được mức giá trên 4.000 đồng/kg (theo điều tra của Bộ, thu mua ở mức giá 3.200-3.400 đồng/kg, nông dân đã có thể có lãi từ 25-30%). Ở khu vực miền Trung và miền Bắc, tính toán của Bộ cũng cho thấy bà con có thể đạt được mức lãi như chủ trương của Chính phủ.

Thực tế, ở mức trên 4.000 đồng/kg, có thể bà con chưa đạt được mức lãi 30%, nhưng đây là con số trung bình, bởi có hộ có thể đạt cao hơn, có hộ không đạt mức đó nếu phải đi thuê đất, thuê nhân công, trồng lúa ở những vùng khó khăn cho năng suất thấp… Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ vẫn đang phối hợp cùng các bộ liên quan tìm biện pháp khắc phục để có thể nâng giá thu mua lên cao hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, về lâu dài, sản xuất lúa gạo là một lợi thế của Việt Nam, đặc biệt có Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng lúa tốt hàng đầu trên thế giới, chúng ta vẫn cần phải phát huy, vừa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa đem lại công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Giá muối trong nước giảm có trách nhiệm của Bộ Công thương

Chia sẻ cùng Bộ trưởng Cao Đức Phát về chất vấn của đại biểu Trần Thị Lộc (đoàn Bắc Kạn) liên quan đến thực trạng nhập khẩu muối và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 5 tháng đầu năm 2010, diêm dân đã có một vụ muối được mùa so với nhiều năm trước đó. Lượng muối sản xuất trong nước ước đạt 730.000 tấn, bằng 176% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy được mùa, nhưng giá muối trong nước sụt giảm, lý do nằm ở chỗ: muối là 1 trong 4 mặt hàng được quyền bảo lưu khi Việt Nam gia nhập WTO với việc cấp hạn ngạch nhập khẩu. Muối sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày, còn muối dùng trong công nghiệp, muối tinh khiết dùng để pha chế đều phải nhập khẩu. Hàng năm, căn cứ nhu cầu trong nước, Bộ Công thương quyết định hạn ngạch nhập khẩu. Nhưng bên cạnh đó, còn một lượng muối nhập khẩu không theo hạn ngạch. Chính số lượng 90.000 tấn muối dạng này đã gây tâm lý hoang mang cho diêm dân và làm ảnh hưởng đến giá muối trong nước. Bộ Công thương nhận trách nhiệm trong vụ việc này vì đã không phát hiện sớm để có hướng giải quyết. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương đã có quyết định tạm dừng nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch; đồng thời ra quy định nhập khẩu muối kể cả trong và ngoài hạn ngạch, trước khi nhập phải có chứng nhận đảm bảo chất lượng của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn; tăng cường kiểm tra kiểm soát với các cơ sở được nhập khẩu nhưng sử dụng không đúng mục đích; về lâu dài, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và Chính phủ các biện pháp hỗ trợ bà con diêm dân về đầu tư xây dựng cơ bản, thu mua, lưu giữ, để giữ giá không bị sụt giảm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cùng nhiều đại biểu khác về tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả, Bộ trưởng thừa nhận, đây là nỗi trăn trở lớn của Bộ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng với nông dân vì đã chưa thể kiểm soát tình trạng này trong một thời gian dài. Bộ vẫn đang cố gắng và thực hiên quyết liệt hơn để đấu tranh với nạn này. Cụ thể, trong 5 tháng qua, Bộ đã ban hành 4 Thông tư, 2 Chỉ thị, 7 Quyết định cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện hàng trăm cuộc giám sát cùng với các địa phương để đấu tranh quyết liệt với nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả.

Liên kết “4 nhà” chưa hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ và thị trường lớn trong xu thế phải cạnh tranh khốc liệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để người nông dân vững vàng “tiến ra biển lớn”. Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến sự hợp tác giữa “3 nhà” (Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà kỹ thuật) và sự hợp tác giữa “4 nhà” (Nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà kỹ thuật, nhà ngân hàng). Nguyên nhân vì sao trong thời gian qua sự hợp tác này chưa đạt hiệu quả và phương hướng trong thời gian tới?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, nước ta có 14 triệu hộ gia đình nông dân sản xuất nông nghiệp. Quy mô này rất nhỏ trong khi đó chúng ta phải làm ra những hàng hoá có quy mô lớn với sức cạnh tranh cao, đáp ứng được thị trường thế giới. Để giải quyết mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ và thị trường lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ quy hoạch những vùng sản xuất tập trung, kết hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo một quy trình thống nhất. Mặt khác, tiếp tục thực hiện những chính sách hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích hình thức hợp tác “4 nhà”.

Trong thời gian qua, hợp tác “4 nhà” chủ yếu dựa trên hỗ trợ tư vấn trồng trọt, vật nuôi. Tuy nhiên, sự hợp tác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ra thị trường còn chưa hiệu quả bởi hợp tác giữa các địa phương và “4 nhà” còn chưa đồng bộ, thiếu tính chặt chẽ, khoa học.

Để khuyến khích “4 nhà” liên kết với nhau, Chính phủ đã có Quyết định 80 như doanh nghiệp ký kết hợp tác với nông dân về hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy bán sản phẩm ra thị trường được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ thị các tỉnh cần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để liên kết “4 nhà” một cách hiệu quả nhất.

Sẽ duy trì tốt đào tạo 1 triệu nông dân/năm

Theo mục tiêu đề ra của Chính phủ, đến năm 2020, phải có 50% người sản xuất lương thực phải qua đào tạo. Đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi về phát triển nguồn nhân lực ở vùng nông thôn, đặc biệt là việc thu hút thanh niên cống hiến sức trẻ cho vùng này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và thu hút thanh niên về nông thôn là chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển đào tạo nhân lực cho vùng nông nông trong thanh niên nông thôn. Trong đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan tham gia. Chủ trương hàng năm đào tạo 1 triệu nông dân, trong đó 700.000 người có nghề, chuyển sang làm những việc phi nông nghiệp; 300.000 người vẫn làm nông nghiệp với trình độ kỹ thuật cao hơn. Song song với việc đào tạo là cung cấp thông tin về thị trường việc làm cho nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang thực hiện thí điểm đao tạo cán bộ khuyến nông với con số đào tạo là gần 20.000 người.

Về Chính sách ưu đãi thanh niên về nông thôn, hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thu hút thanh niên có tri thức về làm việc tại vùng nông thôn. Chính phủ đã có quyết định mỗi xã ngoài việc có 20-25 cán bộ được hưởng lương từ ngân sách, phải bổ sung thêm cán bộ thú y, kỹ thuật, khuyến nông, bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ngoài chính sách của Chính phủ đưa ra, các địa phương cũng cần có chiến lược lâu dài về đào tạo nguồn nhân lực và thu hút thanh niên có tri thức về làm việc tại địa phương.

Trtả lời câu hỏi của đại biểu Trần Việt Hưng (đoàn Hoà Bình) về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với cải thiện đời sống của 70% người dân là nông dân đang được Chính phủ xem là nhiệm vụ hàng đầu. Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phấn đấu tăng đầu tư gấp đôi so với hiện nay cho khu vực nông nghiệp.

Xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông thuỷ sản còn yếu kém

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) đặt câu hỏi vì sao việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông thuỷ sản lại chậm như vậy: “Ví dụ như đối với gạo và cà phê, chúng ta sản xuất ra rất nhiều nhưng xây dựng thương hiệu đối với những mặt hàng này lại yếu kém. Đây là lý do khiến hàng hoá nông thuỷ sản Việt Nam khó tiêu thụ và giá trị thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những hoạt động gì để đẩy mạnh thương hiệu các mặt hàng nông thuỷ sản”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính phủ giao cho Bộ Công thương thực hiện chương trình xây dựng Thương hiệu quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có tham gia chương trình này với nhiệm vụ chính là hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành xúc tiến thương mại, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng. Việc yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có chất lượng, uy tín ở trong nước xây dựng thương hiệu chính là để hàng hoá của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông thuỷ sản được thị trường nước ngoài biết đến nhiều hơn./.

 

Thanh Hà - Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác