Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII: Thảo luận việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học

08/06/2010

Ngày 7-6, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi, trình bày Báo cáo giám sát  của Ủy ban Thường vụ QH về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học". Báo cáo nêu rõ, trong những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của QH, Chính phủ và sự nỗ lực của ngành giáo dục, giáo dục đại học nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Báo cáo  giám sát chỉ ra nhiều bất cập trong giáo dục đại học như: Bộ Giáo dục  và Ðào tạo chưa có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương lập quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục đại học phù hợp quy hoạch chung của Chính phủ. Việc thành lập trường đại học chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của từng địa phương, chưa gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Việc cho phép thành lập mới trường đại học có phần dễ dãi, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục và điều kiện thành lập trường đã tổ chức tuyển sinh đào tạo. Ðến nay, còn khoảng 20% các trường mới thành lập, nâng cấp còn thuê  mướn cơ sở để tổ chức đào tạo. Ðặc biệt, quy mô đào tạo đại học đã vượt xa năng lực đào tạo. Từ năm 1987 đến 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng ba lần; số lượng sinh viên theo học hệ không chính quy lên đến 50% tổng số sinh viên...

Bất cập trong việc thành lập mới trường đại học và chất lượng đào tạo

Khẳng định những thành tựu quan trọng và những nỗ lực của ngành giáo dục, của giáo dục đại học, các đại biểu: Ðặng Thị Nga (Lâm Ðồng), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác cho rằng, yếu kém trong giáo dục đại học đã tồn tại từ lâu, nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có việc cho phép thành lập trường đại học dễ dãi, thiếu kiểm soát, đào tạo chưa gắn với nhu cầu, đào tạo không chuyên sâu. Ðại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, khả năng dự báo kết quả thực hiện chính sách của cơ quan chức năng chưa tốt. Trong  20 năm qua, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giáo viên chỉ tăng ba lần. Lấy danh nghĩa đa dạng hóa giáo dục, nhiều trường đại học, cao đẳng lại tập trung đào tạo hệ không chính quy. Năm học 2008 - 2009, cả nước có gần 900 nghìn sinh viên không chính quy, chiếm 50% tổng số sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Thậm chí có trường đại học số sinh viên hệ không chính quy là hơn 65%. Chương trình giáo dục đại học khung được ban hành cách đây mười năm, nhưng chưa được nghiên cứu sửa đổi; chưa gắn kết giữa nhà trường và các cơ sở sản xuất, giữa nội dung đào tạo và nhu cầu xã hội, nên tính thực tiễn và khả năng ứng dụng của sinh viên sau khi tốt nghiệp còn kém. Hiện chưa có hướng dẫn triển khai Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng của cả nước giai đoạn 2006-2020 tại các địa phương, đặc biệt đối với các trung tâm giáo dục lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., cho nên chưa giúp các địa phương tháo gỡ những áp lực xã hội do sự quá tải của các trường đại học, cao đẳng và sinh viên trên địa bàn. Ðối với  Thủ đô Hà Nội, Quyết định số 121 ngày 27-7-2007 về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020, đã quy định phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng  và yêu cầu di dời một số trường trong khu vực nội thành. Nhưng thời gian qua, việc thực hiện chưa có kết quả, chưa có trường nào di dời theo chủ trương này và nguyện vọng của các trường là có thêm cơ sở 2 chứ không di dời. Các trường đại học, cao đẳng chủ yếu nằm trên địa bàn các quận nội thành với  58 trường. Ðề nghị sớm  điều chỉnh các chính sách liên quan  đa dạng hóa giáo dục đại học, theo hướng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Không nên thực hiện "phổ cập đại học" bằng mọi cách như hiện nay. Cơ quan quản lý giáo dục đại học cần có những giải pháp hiệu quả hơn để  bảo đảm  chất lượng giáo dục đại học, như: Tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu của xã hội để đưa ra những thông tin dự báo chính xác; nâng các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập trường mới. Ðối với các trường đã thành lập, mà chưa đủ các điều kiện tiêu chuẩn, cần quy định thời gian hoàn thành để  bảo  đảm chất lượng giáo dục. Thực hiện nghiêm việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có cả chỉ tiêu đào tạo không chính quy cho các trường. Nên quy định bắt buộc thời gian tối thiểu sinh viên phải thực tập trực tiếp tại cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh... để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Cần có quy định chặt chẽ chất lượng đào tạo liên thông;  bảo đảm công bằng giữa đào tạo chính quy và đào tạo liên thông. Chính phủ nên xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia học nghề; nhất là việc xây dựng hệ thống thang bảng lương cho những người tốt nghiệp các trường nghề; tạo điều kiện về cơ chế để những người học nghề có thể vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, nhằm phân luồng học sinh tốt nghiệp ra trường chuyển hướng sang học nghề. Cần gắn quy hoạch giáo dục đại học với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Các đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi), Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Nghiêm Vũ Khải (Ðiện Biên)  và một số đại biểu nhận xét, hiện nay chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thấp, chính là do chất lượng các trường đại học thấp. Số lượng giảng viên đại học thời gian qua luôn tăng, nhưng chủ yếu tăng lực lượng giảng viên có trình độ đại học, trong khi lực lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ lại giảm. Nhiều trường đại học không đủ chỉ tiêu giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn được thành lập. Cùng  với đó, giáo trình giảng dạy đại học còn lạc hậu, nhiều giáo trình xuất bản từ những năm 1960-1970. Số giờ học của sinh viên theo học chuyên ngành kinh tế tại TP Hồ Chí Minh chỉ bằng một phần ba số giờ học của sinh viên các nước cùng chuyên ngành. Do vậy, việc đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhất là  nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên phải được thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới. Một số đại biểu đặt câu hỏi, số trường đại học của chúng ta quá nhiều, mỗi năm đào tạo hàng nghìn người có trình độ đại học, đặc biệt chúng ta đang thực hiện đề án đào tạo 20 nghìn tiến sĩ, nhưng tại sao cả nước không có trường đại học nào được xếp vào hàng 200 trường đại học danh tiếng của châu Á? Phải chăng do một thời gian dài chạy theo số lượng, khiến chất lượng bị bỏ "rơi", trách nhiệm thuộc về ai? Ðại biểu Huỳnh Nghĩa đưa ra thực tế, việc thành lập trường đại học ở Việt Nam thời gian qua không khác mấy so với thành lập một công ty kinh doanh, trong khi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Các đại biểu đề nghị QH cần có Nghị quyết chuyên đề, đánh giá cụ thể, minh bạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học. Ðề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học làm căn cứ trong kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình  thành lập trường đại học, cao đẳng và quá trình đào tạo. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới trường đại học. Những trường đại học sau ba năm hoạt động không đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất giảng dạy và học tập cần  cương quyết đình chỉ đào tạo, hoặc hạ cấp đào tạo. Chấm dứt tư duy phổ cập giáo dục đại học bằng mọi cách, đặc biệt kiểm soát chặt các hình thức đào tạo đại học không chính quy.

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến "đầu vào", "đầu ra" của đào tạo đại học, cao đẳng, nhất là đào tạo đại học không chính quy. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) phân tích, do vai trò lịch sử, hệ thống giáo dục không chính quy như  đào tạo đại học hệ tại chức, hệ mở rộng..., vẫn đang song hành cùng hệ thống đào tạo đại học chính quy. Tuy nhiên, tình trạng liên kết trong loại hình đào tạo này bị buông lỏng, chủ thể đào tạo không rõ ràng. Công tác tuyển sinh đầu vào và thi tốt nghiệp đào tạo không chính quy mang tính hình thức. Những sinh viên theo học hệ đào tạo này thường tốt nghiệp 100%, thậm chí không theo học đầy đủ cũng có bằng. Do vậy, mặc dù số lượng người có trình độ đại học hằng năm vẫn tăng cao, nhưng không phản ảnh đúng chất lượng nguồn lao động, không đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội, dẫn đến một nguồn lao động có trình độ đại học ảo. Ðại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, không chỉ sinh viên tham gia loại hình đào tạo đại học không chính quy, mà ngay cả sinh viên được đào tạo chính quy trình độ cũng khó đáp ứng nhu cầu của xã hội. Theo thống kê, có tới 50% sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo. Ðề nghị cần có  chiến lược phát triển đào tạo đại học, trong đó chú trọng đến chất lượng giảng viên, chiến lược giáo dục và hạn chế đến mức thấp nhất hình thức đào tạo đại học không chính quy. Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) và một số đại biểu đề nghị cần  quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, thư viện, trang thiết bị thí nghiệm... cho các trường, bảo đảm "trường ra trường, lớp ra lớp"; có cơ chế, chính sách thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng có chất lượng cao...

Chú trọng phát triển đào tạo đại học vùng khó khăn

Các đại biểu Quàng Thị Xuyến (Sơn La), Ðinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) và một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ hợp lý hơn trong việc thành lập các trường đại học, cao đẳng giữa các vùng, miền. Thực tế, thời gian qua việc thành lập các trường đại học, cao đẳng giữa các vùng miền không đồng đều, khiến các học sinh khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do phải về học tại các thành phố lớn. Do vậy, việc thành lập các trường đại học, cao đẳng tại các vùng khó khăn góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ cho các vùng này, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ... Một số đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo đại học đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số thông qua chương trình cử tuyển. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích học sinh học nghề thông qua việc nâng cấp các trường nghề và xây dựng thang, bảng lương phù hợp đối với thợ tay nghề cao, nhằm giải tỏa cho các trường đại học, tránh tâm lý sính đại học như hiện nay. Cần có cơ chế, chính sách  ưu tiên hơn nữa để cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn, người có hoàn cảnh khó khăn vay  ưu đãi đóng học phí. Các đại biểu Phạm Phương Thảo, Nguyễn Ðăng Trừng, Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh), đề nghị sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề công lập và tư thục  mở rộng đầu tư cơ sở vật chất và tự chủ tài chính trong quá trình đào tạo, gắn với  nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng và đào tạo theo yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp và xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH và cho biết, Chính phủ và ngành giáo dục - đào tạo sẽ sớm đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trong thời gian tới. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến, đề nghị QH cuối kỳ họp này, ban hành Nghị quyết về giáo dục đại học sau khi giám sát để tháo gỡ  khó khăn, vướng mắc về cơ chế, nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học thời gian tới.

 

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác