“Bốc thuốc” cho những căn bệnh của ngành giáo dục

08/06/2010

Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề khó nhất và quan trọng nhất của giáo dục đại học hiện nay là xây dựng giáo trình và chương trình giáo dục đại học. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề cực kỳ hệ trọng này.

Chiều 7/6, tiếp tục thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, các đại biểu coi đây là một dịp để “chẩn bệnh và bốc thuốc” cho những căn bệnh khó chữa của ngành Giáo dục.

“Chẩn bệnh”

Không phủ nhận những cố gắng đóng góp của ngành Giáo dục thời gian qua, mà ấn tượng nhất đó chính là cơ hội được tiếp cận với các cấp giáo dục dành cho tất cả mọi người dân, ở mọi vùng miền của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển “quá nóng” của giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học, đã dẫn đến những căn bệnh nan y, một thời gian dài vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Đó là những căn bệnh: quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo; chú trọng phát triển quy mô đào tạo mà quên mất chất lượng đào tạo; quản lý tuyển sinh các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết, liên thông bị buông lỏng; quản lý chất lượng đầu vào quá chặt trong khi không kiểm soát được chất lượng đầu ra; Đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội, mới thiên về đáp ứng nhu cầu của người học, dẫn đến sinh viên ra trường không có việc làm hoặc phải làm không đúng ngành được đào tạo; Việc thẩm định giáo trình đại học cũng như việc giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo còn quá nhiều bất cập. Nội dung chương trình đào tạo giáo dục đại học ở nước ta còn nặng lý thuyết, thiếu thực hành, chưa cung cấp đầy đủ các kỹ năng kiến thức cho sinh viên. Nội dung chương trình đào tạo còn lạc hậu và chậm đổi mới; Chất lượng giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu mặc dù về số lượng đã không ngừng được cải thiện…

Đại biểu Y Ngọc (đoàn Kon Tum) đánh giá tình hình phát triển giáo dục đại học thời gian qua bằng tổng kết “chúng ta đã phát triển giáo dục đại học bằng mọi giá, điều đó dẫn đến chúng ta càng phát triển thì càng mất cân đối”.

“Bốc thuốc”

Mất tới 4-5 năm đào tạo thậm chí lâu hơn để có một nghề nghiệp lập thân, nhưng khi ra trường, một số ít sinh viên may mắn được làm đúng ngành đào tạo thì vẫn còn lúng túng, thụ động trong công việc; còn lại đều phải làm nghề “tay trái”.

Phân tích nguyên nhân sâu xa của thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề khó nhất và quan trọng nhất của giáo dục đại học hiện nay là xây dựng giáo trình và chương trình giáo dục đại học. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức vấn đề cực kỳ hệ trọng này. Có thể coi giáo trình là bản chất của một nền giáo dục, nền tảng của giáo dục xã hội. Nhưng thực tế hiện nay ngành Giáo dục nước nhà lại đang rất lúng túng mà vì lý do nào đó chưa được đề cập đúng mức.

Các đại biểu cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về sự gắn kết giữa nghiên cứu và giảng dạy hiện nay. Các nước trên thế giới đào tạo được những cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ có chất lượng cao là vì họ luôn gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học thành một khối thống nhất. Các thành tựu nghiên cứu mới luôn được đưa vào quá trình đào tạo, từ đó chương trình được đổi mới cập nhật không ngừng. Trong khi đó, việc kết hợp giữa khoa học công nghệ và đào tạo ở nước ta mặc dù có rất nhiều đề tài nghiên cứu, nhưng việc đưa các đề tài đã được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tế của các trường rất hạn chế, nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa gắn với thực tiễn, chưa đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.

Hiện cả nước có 69 viện nghiên cứu được đào tạo sau đại học cùng với 73 trường đại học, việc thiếu những chuyên gia giỏi ở các trường đại học và việc tách Viện nghiên cứu kiêm chức năng đào tạo sau đại học là một hiện tượng không bình thường.

Theo nhiều đại biểu, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, không thể không đồng hành với tăng trưởng kinh tế và tăng mức đầu tư ngân sách. Áp dụng phương pháp giáo dục tiến tiến, nếu số trường trong 10 năm chúng ta tăng gấp 3 lần, giáo viên tăng gấp 3 lần, sinh viên tăng gấp 13 lần. Trong khi đầu tư kinh tế cho sinh viên chỉ tăng 1,9 lần, thu nhập của người dân tăng 2,47 lần, lương giáo viên đại học còn rất thấp, cơ sở vật chất hạn chế, chưa được đổi mới. Tất nhiên chúng ta chưa thể có được kết quả như mong muốn, cũng như chúng ta chưa thể có những trường đại học tiên tiến nếu như mức đầu tư chưa tiên tiến. Vì vậy, quy mô đổi mới thế nào cho phù hợp sẽ tác động đến chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo phải đồng hành với mức đầu tư.

Một vấn đề được nhiều đại biểu nhất trí cao đó là cần phải sớm xây dựng được cơ quan dự báo về nhu cầu lao động theo trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với những đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp thông qua các hình thức ngày hội tư vấn việc làm, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo nhân lực nhằm đảm bảo đào tạo theo nhu cầu của xã hội, chứ không theo những vốn kiến thức của nhà trường đã có.

Các đại biểu cho rằng trước mắt, đây là những vấn đề cần được tập trung đầu tư, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Lý giải các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, các ý kiến đóng góp ấy là sự quan tâm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội với sự nghiệp giáo dục đại học của nước nhà. Những ý kiến đóng góp ấy, Bộ sẽ tiếp thu và nghiên cứu để có những điều chỉnh cụ thể.

Về sự phát triển số lượng, chất lượng các trường đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, đến nay, 62/63 tỉnh, thành trong cả nước đều đã có các trường đại học, cao đẳng. Tuy việc mở trường là rất khó, nhưng Bộ vẫn quyết tâm làm, đặc biệt ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, bởi nếu không mở ở những khu vực này, con em ở các tỉnh này khi về các thành phố học sẽ không quay trở lại giúp sức, phục vụ cho quê hương. Trong khi đó, 64% số sinh viên của chúng ta hiện nay đều xuất phát từ nông thôn.

Về chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng chất lượng giáo dục và phát triển hệ thống giáo dục không chỉ chịu sự chi phối của các quy luật sư phạm mà còn của quy luật quản lý hệ thống, quy luật về kinh tế, quy luật về lợi ích của xã hội và quy luật phát triển hoạt động khoa học công nghệ, chịu sự chi phối của 5 loại quy luật. Cho nên, việc sửa các yếu kém của giáo dục không phải chỉ sửa yếu kém trong hoạt động sư phạm mà hàng đầu chính là sửa các hoạt động quản lý để phù hợp với các quy luật.

Ngày 8/6, theo chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh./.

 

 

Thanh Hà - Bích Lan

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác