Theo đa số đại biểu, việc ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua cho thấy các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã bộc lộ những hạn chế và bất cập.
Với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, cùng với việc Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc pháp điển hóa các quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam là rất cần thiết.
Nhiều ý kiến đánh giá với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, một bên là cá nhân, tổ chức, còn bên kia là cơ quan nhà nước, việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.
Xung quanh quy định về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến của Hà Nội, Lê Văn Hưng ở Hưng Yên, Ngô Văn Minh của Quảng Nam và một số ý kiến khác tán thành với Dự thảo Luật đề nghị nên quy định thẩm quyền của tòa án theo phương án loại trừ.
Theo đó, tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước.
Một số ý kiến đánh giá việc Dự thảo Luật quy định tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt là phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo luật này quy định theo phương án loại trừ là phù hợp, vừa không gây biến động về số lượng vụ việc cho tòa án, vừa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến và nhiều ý kiến khác đều tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp trong Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án.
Nếu tổ chức, cá nhân lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính, khi hết thời hạn giải quyết theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc được giải quyết nhưng họ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (hoặc giải quyết lần hai), họ vẫn có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án.
Các ý kiến thảo luận cho rằng quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.
Thảo luận về thời hiệu khởi kiện, một số ý kiến tán thành với quy định về thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau. Việc quy định chung một thời hiệu khởi kiện cho tất cả các loại khiếu kiện hành chính là không phù hợp vì các khiếu kiện hành chính rất đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngoài ra, cũng cần có sự phân biệt về thời hiệu khởi kiện trong trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần đầu với trường hợp đã qua thủ tục khiếu nại lần hai hoặc đối với trường hợp khởi kiện thẳng ra tòa án mà không qua khiếu nại tại cơ quan hành chính...
Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính, đại biểu Ngô Văn Minh đề xuất cần phải có quy định thỏa thuận giữa các bên trong luật nhưng không nên quy định là thủ tục bắt buộc.
Đại biểu đánh giá đây là cơ chế minh bạch, dễ thực hiện và phù hợp với văn hóa người Việt Nam, tạo điều kiện cho các bên thống nhất cách giải quyết vụ việc. Các đại biểu cũng cho ý kiến một số nội dung cụ thể khác về quyết định của Hội đồng xét xử sơ thẩm; giải thích từ ngữ; biện pháp đảm bảo thi hành án./.