Ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII: Chính phủ trình ba dự án luật

01/06/2010

Ngày 31-5, ngày làm việc thứ chín, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Buổi sáng, tại Hội trường, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu đã nghe các thành viên của Chính phủ trình ba dự án luật.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, nêu rõ: Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái. Chẳng hạn như sự gia tăng nước thải công nghiệp, gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng  các chất gây ô nhiễm không khí trong quá trình sản xuất  và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường; ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp  là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Một số chính sách thuế như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cũng có những  quy định cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các chính sách thuế, phí hiện hành cũng có một số hạn chế. Các loại phí bảo vệ môi trường mới đạt mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải vào môi trường, mà không tự mình xử lý chất thải; hỗ trợ thêm chi phí làm sạch môi trường. Việc ban hành Luật  này nhằm  bảo đảm các mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và của toàn xã hội. Luật này khi được thông qua sẽ góp phần tăng cường quản lý Nhà nước, thể chế hóa chủ trương của Ðảng và  chính sách  của Nhà nước; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, cho biết: Dự án luật đã quy định nhiều vấn đề mới, điều chỉnh cơ bản những hoạt động có tác động tới môi trường, quy định về đối tượng chịu thuế, mức thuế, phương pháp tính thuế... Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu ban hành luật, thì còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đọc Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Theo tờ trình, Luật Thanh tra ban hành năm 2004 đã góp phần tạo khung pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Hằng năm, các cơ quan thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều hành vi vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp  yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện nhiều quy định của Luật Thanh tra đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Ðảng về công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HÐH, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này, cho rằng có một số nội dung cần được nghiên cứu làm rõ trong lần sửa đổi Luật Thanh tra. Về địa vị pháp lý của Cơ quan thanh tra, dự án luật  được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp. Ða số thành viên Ủy ban Pháp luật  của QH đề nghị cần nghiên cứu xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này cho phù hợp. Cần  có quy định để xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của cơ quan Thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và Thanh tra viên trong việc phát hiện vi phạm pháp luật, hoặc có phát hiện nhưng kiến nghị, xử lý không triệt để; đặc biệt, đối với trường hợp khi tiến hành thanh tra với kết luận không có sai phạm, nhưng sau đó qua hoạt động kiểm tra, giám sát lại phát hiện có vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng...

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đọc Tờ trình dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), nêu  kết quả sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được củng cố và tăng cường. Ðồng thời chỉ rõ  những  tồn tại, hạn chế của Luật Khoáng sản không còn phù hợp  thực tế, một số quan hệ mới phát sinh chưa được quy định bổ sung; nội dung quy định hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản chưa rõ nét, khó thực hiện. Hơn nữa, nước ta đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức WTO, các quy định của Luật Khoáng sản cần được rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp  các cam kết của Việt Nam...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật Khoáng sản (sửa đổi), nhằm bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản có hiệu quả; khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý. Dự án  luật có nhiều quy định mới, cụ thể hơn, đã khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, bổ sung những quy định mà luật hiện hành còn chưa đề cập. Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản... Về Chiến lược tài nguyên khoáng sản (Ðiều 30) trong dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của QH tán thành với quy định cần phải xây dựng Chiến lược chung về tài nguyên khoáng sản 10 năm, tầm nhìn 20 năm để thể hiện quan điểm, định hướng chính sách, tầm nhìn dài hạn của nhà nước về khoáng sản, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khoáng sản, tổ chức hoạt động khoáng sản trong từng thời kỳ, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Buổi chiều, các đại biểu QH  thảo luận ở tổ về dự án Luật  Thuế bảo vệ môi trường. Hầu hết các ý kiến phát biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH về sự cần thiết ban hành luật này. Một số đại biểu cho rằng, các quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được xác định đầy đủ, bao quát, tính hiệu lực chưa cao,  ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều tổ chức, cá nhân còn  thấp.  Một số quy định điều chỉnh đến công tác bảo vệ môi trường  nằm rải rác, lồng ghép trong một số  luật khác nhau. Mức thu từ phí bảo vệ môi trường còn hạn chế, không đủ sức ngăn chặn hành vi gây ô nhiễm,  nhiều hành vi gây tác động nghiêm trọng đến môi trường không được xử lý nghiêm minh. Các đại biểu cho rằng, việc ban hành luật  thuế này sẽ  tạo công cụ quản lý vĩ mô hữu hiệu, bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức và của nhân dân trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Ðộng viên hợp lý nguồn thu cho khắc phục hậu quả môi trường. Các đại biểu đề nghị, khi ban hành luật, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của toàn hệ thống, phù hợp  thông lệ quốc tế và đáp ứng việc thực hiện cam kết quốc tế. Một số đại biểu cho rằng, về đối tượng chịu thuế trong dự án luật chỉ có năm nhóm hàng hóa  được quy định tại Ðiều 3  tác động xấu đến môi trường, là chưa đầy đủ; đề nghị rà soát lại danh mục hàng hóa gây ô nhiễm môi trường trong các văn bản liên quan... Một số đại biểu đề nghị  làm rõ căn cứ tính thuế  và cần áp dụng mức thuế cao đối với  các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, mà đã có sản phẩm khác thay thế, nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng, thói quen sử dụng của nhân dân. Một số ý kiến cho rằng, đối với một số nhóm hàng, mặt hàng, biên độ khung thuế trong  dự án luật  như mức thuế của  than từ 6.000 đồng đến 30.000 đồng/tấn, túi nhựa xốp từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg,  mỡ nhờn từ 300 đến 2.000 đồng/kg... là rộng, dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện. Một số đại biểu đề nghị khi phân chia nguồn thu phải chú trọng tính công bằng, quyền lợi của địa phương, nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Nơi nào bị ô nhiễm bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh cần được phân bổ nguồn thu đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả môi trường.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác