Ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII: Thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008 và dự thảo Luật Người khuyết tật

01/06/2010

Ngày 28-5, ngày làm việc thứ tám, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008 và những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người khuyết tật.

Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về quyết toán NSNN năm 2008 dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên.

Các ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với các báo cáo: quyết toán NSNN năm 2008 của Chính phủ, kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2008 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2008 của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH. Nhìn chung, công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN năm 2008 của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện khá tốt, có nhiều tiến bộ hơn những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn những thiếu sót không mang tính phổ biến ở một vài địa phương.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận là hiệu quả sử dụng NSNN. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Phạm Thị Loan (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, nhiều tồn tại đã nêu trong các kỳ họp trước nhưng vẫn chưa được khắc phục như thu chưa vững chắc, chi ngân sách dàn trải, kém hiệu quả, kỷ luật chi không nghiêm. Ðại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, rút ra bài học kinh nghiệm liên quan hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội để quản lý thu chi ngân sách ngày càng tốt hơn.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu thì chất lượng xây dựng dự toán có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số khoản thu, chi vẫn vượt lớn so với dự toán, một số bộ, ngành, địa phương giao dự toán thu NSNN năm 2008 thấp hơn số thực hiện thu năm trước. Tổng thu NSNN tuy vượt dự toán lớn (đạt 430.549 tỷ đồng, vượt 107.549 tỷ đồng (33,3%) so với dự toán), nhưng nguồn thu chưa vững chắc. Có đại biểu cho rằng, việc chấp hành các quy định về quản lý thu ở một số địa phương, đơn vị chưa nghiêm, còn nhiều sai phạm, nợ đọng thuế lớn do nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình gian lận, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và còn tình trạng hoàn thuế, miễn thuế sai quy định của cơ quan nhà nước.

Về dự toán chi NSNN, các đại biểu nhận xét, vẫn diễn ra tình trạng một số địa phương phân bổ dự toán chi cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ thấp hơn mức T.Ư giao, giao dự toán chi chưa sát yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, nhiều nhiệm vụ chi không đủ kinh phí thực hiện phải bổ sung, nhiều khoản chi không hết phải chuyển nguồn lớn sang năm sau, dẫn đến năm 2008, chi NSNN vượt dự toán giao 13,5% (tương đương 53.786 tỷ đồng). Công tác quản lý chi đầu tư phát triển có chuyển biến, nhưng việc đầu tư dàn trải, thời gian thi công kéo dài, thanh toán vượt quá khối lượng, chậm quyết toán vốn đầu tư vẫn diễn ra, nhiều công trình hoàn thành, đã đưa vào sử dụng nhưng chậm được phê duyệt quyết toán, gây lãng phí và kém hiệu quả trong quản lý và sử dụng NSNN. Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, dự án trồng mới năm triệu ha rừng... đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng tiến độ thực hiện dự án, công tác phân bổ vốn, giải ngân còn chậm, thậm chí sử dụng kinh phí ngân sách sai mục đích, sai đối tượng. Ðại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) và một số đại biểu đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân vượt thu và vượt chi, việc cắt giảm chi đầu tư công nhưng tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản, nêu đích danh những công trình, dự án có khoản chi bất hợp lý điển hình. Những khoản chi ngoài dự toán phải có thuyết trình, báo cáo QH nhằm bảo đảm công khai, minh bạch.

Về công tác kiểm toán, nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của KTNN, đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước, kiến nghị xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân và các tổ chức sai phạm, góp phần chấn chỉnh, làm lành mạnh hóa nền tài chính, cung cấp thông tin và hỗ trợ QH, HÐND các cấp phê duyệt quyết toán NSNN. Mặc dù hầu hết đơn vị được kiểm toán đã triển khai thực hiện khá nghiêm túc các kết luận và kiến nghị của KTNN về công tác quản lý tài chính, ngân sách; nhưng kết quả thực hiện còn thấp. Do đó, đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) và một số đại biểu đề nghị cần thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, KTNN và có biện pháp xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu QH nêu lên trong thảo luận.

Trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH tiếp tục làm việc tại Hội trường và nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật (NKT). Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Người khuyết tật có 10 chương, 54 Ðiều, trong đó đã bổ sung một chương mới về Xác nhận khuyết tật, gồm các Ðiều từ 15 đến 20.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật NKT,  nhiều đại biểu thể hiện sự nhất trí với những nội dung trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH. Ðây là một dự thảo luật được chuẩn bị công phu, rõ ràng và phù hợp thực tế cuộc sống.

Vấn đề giải quyết việc làm và nhận NKT vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị (Ðiều 35) là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm thảo luận. Ðại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội), Huỳnh Thị Hoài Thu (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu khác cho rằng, nên quy định trách nhiệm bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc sử dụng và tạo việc làm cho NKT. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều NKT có điều kiện lao động, hòa nhập cộng đồng, góp phần làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Ðồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, đơn vị. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị, nên chú trọng việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc, không nên quy định bắt buộc bởi hiện nay có không ít doanh nghiệp đang  sử dụng công nghệ, dây chuyền hiện đại và không cần nhiều lao động.

Thảo luận về  quy định Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (Ðiều 16), có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn việc giao cho Chủ tịch UBND xã thành lập vì liên quan đến vấn đề khuyết tật nên dựa trên cơ sở khoa học của ngành y tế để bảo đảm chính xác, phù hợp, tránh thiệt thòi cho NKT. Về vấn đề này, các đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh), Võ Thị Dễ (Long An) lại đồng ý với dự thảo Luật vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho NKT trong việc đi lại, tiếp cận với thông tin và các công việc liên quan; đồng thời đề nghị các ban, ngành chức năng tích cực hỗ trợ UBND xã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Có đại biểu đề nghị, trong thành phần Hội đồng này nên có đại diện NKT tại địa phương.

Ðiều 3 của Dự thảo luật có đưa ra ba mức độ khuyết tật: đặc biệt nặng, nặng, nhẹ. Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ), Lê Thị Mai (Hải Phòng) cho rằng, trong nhiều trường hợp sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa mức độ khuyết tật nặng và nhẹ. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách đối với NKT, tạo ra sự không công bằng, thiếu minh bạch. Ðề nghị Ban soạn thảo đưa thêm mức độ khuyết tật ở mức trung bình để bảo đảm chính xác trong việc  thực hiện chính sách cho NKT. Những NKT được xác định ở mức đặc biệt nặng và nặng nhất thiết phải được Hội đồng y khoa công nhận.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác