Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tại phiên họp này, trên cơ sở xem xét những vấn đề bức xúc, thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, của cử tri cả nước và xã hội trong thời gian qua, cũng như số lần các vị Bộ trưởng đã trả lời chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã lựa chọn một số vấn đề còn bất cập, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước để chất vấn và trả lời chất vấn.
Đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp là: “Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chất vấn tại Phiên họp
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 28 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 6 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Nhìn chung, các ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, các đề án, dự án, đặc biệt là các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định về hồ sơ, thủ tục, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác thẩm định của Bộ Tư pháp tuân thủ đúng quy định của luật, góp phần nâng cao chất lượng đề án, dự thảo văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất đồng bộ, tính khả thi.
So với các năm trước, trong nhiệm kỳ này, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cơ bản được bảo đảm. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao. Hầu hết các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 80%, có dự án được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua như Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn tại Phiên họp
Cùng với đó, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn các năm trước. Số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng, giảm dần theo các năm. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng đã có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, qua ý kiến đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận tại phiên họp cho thấy vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này chưa rõ nét, nhất là việc đề nghị lập và lập chương trình của Chính phủ, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính ổn định, nhiều dự án luật phải điều chỉnh chương trình nhiều lần tại các kỳ họp. Mặt khác, nhiều dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một vài dự án luật, pháp lệnh vẫn đang có tính hình thức đối phó. Các báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động chưa đầy đủ, nội dung cũng chưa rõ về mặt chính sách, nên có dự án luật phải chuyển từ 2 kỳ họp thành 3 kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội chất vấn tại Phiên họp
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình dự án, đề án, nhất là các dự án luật, chất lượng thẩm định chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và dự báo nguồn lực để triển khai thực hiện. Việc đánh giá mức độ tương thích giữa nội dung của chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên còn hạn chế. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Hiệu quả công tác truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa rõ, chưa tạo sự chuyển biến thật căn bản trong ý thức tôn trọng tuân thủ chấp hành pháp luật.
Các ý kiến cho rằng, những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ khâu chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có những nguyên nhân khách quan khác như: các điều kiện bảo đảm về kinh phí, đội ngũ cán bộ, tổ chức thực hiện. Các ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp cần thực hiện tốt hơn nữa công tác thẩm định đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự án luật pháp lệnh trước khi trình Chính phủ. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với các cơ quan Quốc hội trong quá trình soạn thảo đôn đốc chỉnh lý, trình dự án luật, pháp lệnh, nhằm bảo đảm sự thống nhất về nội dung các dự án luật, dự thảo, hạn chế tình trạng các dự án, dự thảo trình ra Quốc hội, nhưng các cơ quan vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, dẫn đến phải lùi lại thời hạn trình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại Phiên họp
Mặt khác, Bộ Tư pháp cần thường xuyên tổ chức giao ban về công tác xây dựng pháp luật giữa Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trong việc rà soát, đôn đốc, chuẩn bị các dự án để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bảo đảm tiến độ hồ sơ, thủ tục, chất lượng các dự án, dự thảo. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở bộ ngành và địa phương. Tăng cường vai trò hoạt động của pháp chế các bộ, ngành trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo ban hành văn bản pháp luật. Quan tâm lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú và thiết thực hơn, nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, góp phần đưa pháp luật sớm đi vào cuộc sống, nhất là các văn bản mới ban hành. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện gắn với triển khai bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại buổi làm việc, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình, làm rõ và đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chất lượng đối với các nhóm vấn đề nêu trên cũng như trong công tác của ngành trong thời gian tới./.