Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Trình bày báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, dự thảo Luật gồm 10 Chương và 123 điều, về một số vấn đề lớn như phạm vi điều chỉnh; Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh; Về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước; Về đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể và xác định sức mạnh thị trường đáng kể; Tập trung kinh tế; Tố tụng cạnh tranh…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình báo cáo
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tuy nhiên còn một số vấn đề được các đại biểu quan tâm góp nhiều ý kiến xây dựng như: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7) ...
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1), có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cần cụ thể hơn, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu
Góp ý kiến về điều khoản này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, Luật Cạnh tranh 2004 chưa có quy định và cơ sở pháp lý về việc quản lý môi trường kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam, việc sửa đổi lần này sẽ khắc phục hạn chế trong việc thiếu cơ sở để kiểm soát các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Bởi xu thế toàn cầu hóa kinh tế và mở cửa thị trường, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng mở rộng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia khác nhau. Khi đó, thực tiễn sẽ phát sinh các hành vi phản cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia, nhưng có tác động tới môi trường cạnh tranh trong nước. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia đã mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh trên nguyên tắc tác động ảnh hưởng của hành vi để kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh xuyên biên giới và bảo vệ thị trường trong nước.
Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, nhiều ý kiến tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và chức danh pháp lý, thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình băn khoăn về quy định bổ nhiệm các thành viên trong Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trong khi chức năng là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị cần bổ sung thêm vào chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định về giám sát các văn bản liên quan đến vấn đề cạnh tranh để đảm bảo tính thống nhất rõ ràng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần rà soát kiểm tra kỹ hơn về quy định thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, tránh xảy ra việc chồng chéo xung đột với Luật tổ chức Chính phủ. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần liệt kê cụ thể hơn trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cụm từ “hành vi khác” nhằm đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tránh hạn chế quyền kinh doanh của người dân cũng như doanh nghiệp trong nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận tại phiên họp
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Kinh tế, Chính phủ - Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung, kỹ thuật của Dự án Luật trước khi xin ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Nếu tiếp tục còn những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau thì sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau./.