Vẫn còn quan ngại về tính khả thi khi triển khai pháp luật
Dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, tổ chức vào tháng 11/2009, có tám chương với 46 điều.
Sau khi chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật mới trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 30 gồm 11 chương với 47 điều; trong đó có hai chương và 14 điều mới.
Nhiều điều trong dự thảo đã được chỉnh sửa, bổ sung và sắp xếp lại cho cụ thể, hợp lý nhằm bảo đảm tính toàn diện, cụ thể, rõ ràng hơn đối với việc cung ứng năng lượng một cách bền vững cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tên gọi của dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và phạm vi điều chỉnh của Luật như quy định trong Điều một của dự thảo.
Theo dự thảo, luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào tính khả thi của luật và những điều khoản liên quan đến "phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo".
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật, nhưng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của Luật sau khi ban hành.
Theo các đại biểu, phạm vi điều chỉnh của Luật quá rộng, gây khó khăn cho quá trình lập pháp và thực thi luật pháp trên thực tế. Điều 41 quy định về "Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" cũng không nhận được sự đồng thuận khi các đại biểu cho rằng, Chương trình tuy rất cần thiết những chỉ là hoạt động hành pháp, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Đặng Vũ Minh cho rằng "năng lượng tái tạo" là một lĩnh vực chuyên môn hoàn toàn mới, có tính đặc thù so với các loại năng lượng truyền thống, năng lượng đang sử dụng, vì thế nên được điều chỉnh bằng một luật riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả được xây dựng không chỉ gồm các điều luật mang tính quy định cứng mà còn nhiều điều khoản mang tính định hướng, khuyến khích, động viên việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Việc phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo nên được đưa vào điểu chỉnh trong một luật riêng, nhưng sẽ chọn lồng ghép đưa vào trong Luật một số quy định mang tính chính sách, để tạo điểm tựa pháp luật cho Chính phủ trong việc nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến khác của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội như về việc dán nhãn năng lượng, nhãn thiết bị năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng hay các vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp.
Thanh tra về an toàn thực phẩm - thanh tra chuyên ngành
Dự thảo Luật An toàn thực phẩm trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 12 chương với 75 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm.
Việc kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xử lý vi phạm pháp luật, bồi thường thiệt hại về an toàn thực phẩm, cũng được quy định trong Luật.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến các điều khoản trong dự luật liên quan đến "thực phẩm biến đổi gen."
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh hiện vẫn chưa có kết luận khoa học nào cho rằng thực phẩm biến đổi gen gây tác hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhưng không thể phủ nhận về mối quan ngại của xã hội đối với loại thực phẩm mới này.
Trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật có những bước tiến bộ vượt bậc, việc đưa những quy định về "thực phẩm biến đổi gen" vào trong Luật là rất cần thiết, thể hiện tính dự báo, đảm bảo tính lâu dài của Luật trong đời sống.
Đại biểu Trương Thị Mai cho rằng Luật cần quy định các loại thực phẩm biến đổi gen phải được ghi rõ trên nhãn dòng chữ "biến đổi gen" và Chính phủ quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen, lộ trình thực hiện, loại thực phẩm biến đổi gen và mức tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen.
Ý kiến của bà Trương Thị Mai đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ còn phổ biến, liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu hộ gia đình. Vì thế, để phù hợp với điều kiện thực tiễn và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật quy định việc quản lý an toàn thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, quy mô nhỏ lẻ sẽ thực hiện theo quy định của Bộ chủ quản chuyên ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí về ý kiến quy định trong Luật rằng thanh tra về an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra được thực hiện theo Luật Thanh tra.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về kỹ thuật lập pháp và một số điều luật cụ thể trong dự luật như cần làm rõ căn cứ quy định về mức xử phạt hành chính tại khoản bốn Điều 69; chỉnh, sửa Điều năm quy định về những hành vi bị cấm...
Dự kiến, dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và Luật an toàn thực phẩm sẽ được trình Quốc hội khóa 12 thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới./.