Sáng 14.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2009; số tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.
Theo Báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách nhà nước năm 2009 vượt 13,4% so với dự toán, tăng gần 51.700 tỷ đồng so với Báo cáo trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách do Phó chủ nhiệm Ủy ban Trịnh Huy Quách thừa ủy quyền Chủ nhiệm Ủy ban trình bày - đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các ngành, các cấp trong điều hành thu ngân sách; đặc biệt là trong công tác chống thất thu ngân sách nhà nước, chống nợ đọng thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá, kiểm toán thu ngân sách... Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm trong việc đánh giá về thu ngân sách nhà nước năm 2009; xem xét lại chất lượng công tác lập dự toán ngân sách, bảo đảm trình QH quyết định dự toán ngân sách nhà nước sát thực tế hơn. Về phương án phân bổ số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2009, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị cần tuân thủ 4 nguyên tắc: bám sát quy định của Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên giảm bội chi ngân sách nhà nước, tăng chi trả nợ, tăng đầu tư xây dựng cơ bản, thưởng vượt thu cho các địa phương; bảo đảm đúng thẩm quyền của QH, UBTVQH, đặc biệt là thẩm quyền quyết định về tổng thu, tổng chi và mức bội chi ngân sách nhà nước; số tăng thu chỉ bố trí sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách của năm 2009 phát sinh ngoài dự toán và chưa được bố trí nguồn để xử lý trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; ưu tiên cho các tỉnh khó khăn có số hụt thu ngân sách lớn do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế để phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 32 của QH. Trên cơ sở các nguyên tắc trên, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị: cần tách riêng số tăng thu ngân sách trung ương, số tăng kết chuyển với số tăng bội chi ngân sách dự kiến thành các nhóm nhiệm vụ chi khác nhau theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Về số tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2009, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị: sử dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương năm 2009 do chính sách miễn, giảm thuế để kích thích kinh tế theo Nghị quyết của QH; 25.600 tỷ đồng còn lại sử dụng để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 từ 6,9% xuống còn 6,5% và trình QH xem xét, quyết định chi xử lý các khoản ứng trước trong gói kích thích kinh tế năm 2009. Cơ bản tán thành với các nguyên tắc sử dụng phần vượt thu ngân sách mà Ủy ban Tài chính và Ngân sách đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng bày tỏ ái ngại về tình trạng chấp hành kỷ luật ngân sách nhà nước chưa nghiêm. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị: phải nghiêm túc chấp hành các nguyên tắc phân bổ số vượt thu ngân sách theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể, số vượt thu này trước hết phải được sử dụng để giảm bội chi ngân sách; sau đó là tăng chi trả nợ rồi mới đến tăng chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tiếp đó, cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành đề xuất của Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách. Cụ thể, đề nghị QH xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 như sau: tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 548.529 tỷ đồng (bao gồm cả thu kết chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008, thu từ quỹ dự trữ tài chính, thu huy động đầu tư của các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước); tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2008 là 590.714 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn năm 2007 sang năm 2008); số bội chi ngân sách nhà nước là 67.677 tỷ đồng, bằng 4,58%GDP (không bao gồm số chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương). Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, chất lượng xây dựng dự toán ngân sách nhà nước chưa cao; nhiều khoản thu – chi chưa sát với thực tế đã dẫn đến một số khó khăn trong công tác điều hành ngân sách. Bên cạnh đó, chất lượng quản lý điều hành ngân sách nhà nước cũng còn hạn chế: thu ngân sách nhà nước vượt dự toán nhưng nguồn thu chưa vững chắc và còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới. Việc chấp hành các quy định về quản lý thu ở một số địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm, còn nhiều sai phạm trong quản lý thuế, số nợ đọng còn lớn. Chưa khắc phục được tình trạng chi ngân sách vượt dự toán; điều hành chi ngân sách có lúc còn bị động; đầu tư còn dàn trải. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135... còn chậm, hiệu quả chưa cao. Số chi chuyển nguồn sang năm sau và số kết dư ngân sách địa phương có xu hướng tăng cao trong khi ngân sách Trung ương bội chi ngày càng lớn gây ảnh hưởng chung đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là những vấn đề cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác điều hành ngân sách các năm sau.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên.
Theo dự thảo Biểu thuế suất thuế tài nguyên của Chính phủ, mức thuế suất của các loại tài nguyên khoáng sản kim loại; khoáng sản phi kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên... được điều chỉnh với mức tăng trung bình từ 3 – 5 % so với thuế suất hiện hành. Đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than thì mức thuế suất nhìn chung được giữ nguyên. Mức thuế suất không phân biệt giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc ban hành Biểu thuế suất thuế tài nguyên do Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Cao Ngọc Xuyên thừa ủy quyền Chủ nhiệm Ủy ban trình bày tán thành với việc ban hành Nghị quyết để bảo đảm Luật Thuế tài nguyên được thực thi đúng thời điểm Luật có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Biểu thuế suất phải giúp khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước; quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo; góp phần khuyến khích phát triển công nghiệp, chế biến sâu tài nguyên, hạn chế xuất khẩu thô. Vừa bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; không làm tăng lớn chi phí đầu vào của các ngành sản xuất sử dụng tài nguyên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người khai thác, sử dụng tài nguyên. Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần làm rõ căn cứ tính thuế đối với các loại tài nguyên cụ thể. Vì mỗi loại tài nguyên có tính chất, giá trị, mức độ cung cầu và tiềm năng khai thác... khác nhau. Việc điều chỉnh thuế suất tăng bình quân 3 -5 % đối với hầu hết các tài nguyên như đề xuất của Chính phủ là chưa hợp lý. Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị, trước khi xác định mức thuế suất với từng loại tài nguyên cần rà soát, khảo sát kỹ càng để xác định nhóm tài nguyên nào thuộc dạng khuyến khích hay không khuyến khích khai thác, xuất khẩu; đánh giá trữ lượng và nhu cầu sử dụng tài nguyên. Nếu giữ cách làm đơn giản là chỉ tăng thêm 3 - 5% so với thuế suất hiện hành, không tính toán kỹ lưỡng sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, thuế là công cụ có tính hai mặt, có thể thúc đẩy sản xuất nhưng cũng có thể kìm hãm sản xuất. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, cần có mức thuế hợp lý để khuyến khích sản xuất. Hơn nữa, việc thay đổi mức thuế của các loại tài nguyên sẽ khiến giá thành sản phẩm, hàng hóa tăng, gây tác động đến việc kiềm chế lạm phát. Với các loại tài nguyên không tái tạo thì cần có chiến lược sử dụng, không nên chỉ dựa vào công cụ thuế để quản lý. Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên yêu cầu: cân nhắc việc điều chỉnh thuế để giữ ổn định sản xuất, đời sống của người dân. Thực tế, vấn đề đầu tư, kinh doanh tài nguyên khoáng sản đã phát sinh nhiều tiêu cực. Biện pháp thuế chỉ là một biện pháp giúp điều tiết, quản lý việc khai thác tài nguyên, nên cần nghiên cứu điều chỉnh các loại thuế khác để có phương án tối ưu nhất, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa giữ ổn định sản xuất, kinh doanh.