Sửa đổi Luật Công đoàn phù hợp với tình hình mới

14/04/2010

Chiều 12/4, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn nêu rõ, Luật Công đoàn hiện hành qua 19 năm thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do Luật Công đoàn năm 1990 được ban hành vào giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường nên hiện nay có một số điểm không còn phù hợp.

Luật Công đoàn (sửa đổi) được kết cấu 6 chương và 34 điều luật.

Báo cáo Thẩm tra về dự án luật của Ủy ban Pháp luật cho rằng việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công đoàn là thực sự cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ủy ban Pháp luật đề nghị dự thảo luật phải giải quyết được các nội dung: xác định đúng địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, trên cơ sở cụ thể hóa Điều 10 của Hiến pháp năm 1992; cơ chế hoạt động, việc bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn; mục tiêu bảo vệ người lao động như thế nào cho phù hợp với vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ người lao động.

Thảo luận về dự án luật, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng và Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu lên một thực tế là Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động có mối quan hệ mật thiết với nhau. Rất nhiều quy định trong Luật Công đoàn liên quan đến Bộ luật Lao động.

Bà Mai dẫn chứng trong Bộ luật Lao động có tới 50 điều liên quan đến Luật Công đoàn nằm ở 3 chương.

Ông Vượng đề xuất hai Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra hai dự án Luật Công đoàn và Bộ luật Lao động phải có sự bàn bạc, phối hợp đưa ra giải pháp, phương hướng giải quyết hợp lý để thống nhất trước khi trình Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Đại biểu Trương Thị Mai nêu lên con số khoảng 3.000 cuộc đình công (trong 10 năm) đã diễn ra đều không đúng pháp luật, điều đó cho thấy thiết chế pháp luật chưa đi vào cuộc sống.

Chính vì vậy, bà tán thành với đề nghị của Ủy ban Pháp luật là cần làm rõ tính khả thi của quy định quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc “Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định của Bộ luật Lao động, quyền đình công là quyền của người lao động và việc tổ chức, lãnh đạo đình công thuộc trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp (hoặc đại diện tập thể lao động ở doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn).

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay chưa có một cuộc đình công nào do công đoàn đứng ra tổ chức, hầu hết các cuộc đình công trong nhiều năm qua là tự phát./.

Quỳnh Hoa (Vietnam+)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác