Chương trình 135 giai đoạn II đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân

13/04/2010

Hôm qua 12-4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ QH bắt đầu phiên họp thứ 30 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Ðến dự, có Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện một số bộ, ngành hữu quan và các cơ quan của QH.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH xem xét ba nhóm vấn đề. Một là, công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý bảy dự án luật trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy QH khóa XII sắp tới và cho ý kiến bước đầu về năm dự án luật khác để trình QH cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy nói trên. Hai là, công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II; cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Ba là, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, xem xét, thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008; cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2009; xem xét, thông qua Nghị quyết về biểu thuế tài nguyên và cho ý kiến về chủ trương đầu tư. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe và thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); việc quản lý; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến XÐGN trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá kết quả giám sát, từ năm 2006 đến 2009, việc thực hiện XÐGN qua Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án khác trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn bước đầu giải quyết được tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, phát thanh, truyền hình... đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Sản xuất nông nghiệp của vùng đặc biệt khó khăn có bước phát triển, nhờ áp dụng giống mới, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất do đó năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên; nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp nhận được kỹ thuật sản xuất mới, tiên tiến, thay thế dần tập quán sản xuất cũ, hiệu quả kinh tế thấp. Qua giám sát cho thấy, tỉnh nào cũng xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi. Trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đã có bước chuyển tích cực. Chính phủ, các bộ, ngành luôn quan tâm tìm kiếm, huy động được các nguồn lực, chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình 135 giai đoạn II.

Trình độ, năng lực quản lý Chương trình 135 của cán bộ cấp xã và thôn, bản được nâng lên một bước, năng lực của cộng đồng trong việc tham gia các hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng được cải thiện đáng kể.

Quá trình tổ chức thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định 134 và một số chương trình, dự án khác được tài trợ của một số tổ chức quốc tế, các cấp, các ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến công khai đến người dân về định mức đầu tư, hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tại trụ sở xã, thôn, bản. Ý thức làm chủ của người dân được nâng cao. Nguyên tắc dân chủ, công khai được thực hiện.

Tác động của các chương trình, dự án khác cùng với Chương trình 135 giai đoạn II đã tạo ra nguồn lực tổng hợp trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Triển vọng sau năm năm thực hiện (2006-2010) phần lớn các tỉnh sẽ đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của Chương trình 135 giai đoạn II.

Từ năm 2006 đến 2010, tổng kinh phí ngân sách T.Ư và tài trợ của các tổ chức quốc tế đã đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn II là 14.024,65 tỷ đồng/12.950 tỷ đồng, bằng 108,5% vốn tại văn kiện chương trình được duyệt. Mức vốn đầu tư cho một xã được tăng dần qua các năm từ 860 triệu đồng/xã/năm (2006-2007) lên 1.064 triệu đồng/xã/năm (2008-2009) và lên 1.364 triệu đồng/xã/năm (2010).

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng cho thấy tập quán, lao động sản xuất của đồng bào ở vùng này chậm được thay đổi, sản xuất thuần nông tự sản, tự tiêu vẫn còn phổ biến, chậm thích ứng với kinh tế thị trường. Còn nhiều tỉnh chưa chú ý đến quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư, bố trí sản xuất nông, lâm nghiệp, quy hoạch sử dụng đất... Phần lớn các xã, thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II, tuy tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Tỷ lệ giải ngân thấp, cá biệt có địa phương phân bổ vốn sai nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng...

Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ QH đã đưa ra nhiều kiến nghị với QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, như kiến nghị QH quyết định chủ trương tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015...

Cũng trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác