Tham dự có đại diện Lãnh đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Bộ Nội vụ; Văn phòng Chính phủ...
Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ Kỳ họp thứ Hai đến Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII, Bộ đã nhận và trả lời đầy đủ 189 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện, các ĐBQH và Đoàn ĐBQH gửi đến; trong đó, trả lời hứa tiếp thu 22 ý kiến để xem xét trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách. Đến nay, Bộ đã tiếp thu và giải quyết xong 10 kiến nghị; tiếp thu và đang nghiên cứu giải quyết 4 kiến nghị; tiếp thu và sẽ nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách 5 kiến nghị; đã nghiên cứu, nhưng chưa thể giải quyết, giải trình với cử tri 3 ý kiến. Riêng 94 kiến nghị của cử tri được chuyển đến sau Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII, Bộ đã tiến hành phân loại, giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu trả lời. Tuy nhiên, do số lượng kiến nghị của cử tri gửi đến khá nhiều nên việc nghiên cứu để trả lời đang gặp khó khăn; Bộ sẽ cố gắng gửi Báo cáo về việc giải quyết các kiến nghị này tới Ban Dân nguyện trước ngày 15.4 sắp tới.
Đối với các kiến nghị của cử tri gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn chung, đã cơ bản được bộ giải quyết. Hiện chỉ còn một số kiến nghị đang trong quá trình tiếp thu, nghiên cứu và sẽ giải quyết trong quá trình hoạch định chính sách. Tại cuộc làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri; kiến nghị đối với các kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, Quốc hội và Chính phủ cần giao trách nhiệm cụ thể hơn, tránh tình trạng đùn đẩy giữa các bộ, ngành.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của hai bộ; chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết kiến nghị của cử tri. Hiện nay, nhìn chung việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của một số bộ, ngành còn chậm, nhất là những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. Ghi nhận thực tế này, Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết kiến nghị của cử tri, các bộ, ngành cần nêu cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, bàn bạc với nhau để sớm giải quyết các kiến nghị của cử tri. Quan trọng là cần coi việc giải quyết các kiến nghị của cử tri là trách nhiệm của Nhà nước đối với người dân, chứ không nên phân loại theo kiểu việc này của anh, việc kia của tôi. Đối với những kiến nghị phức tạp liên quan đến sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hay trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, nếu chưa thể giải quyết ngay thì trước hết các bộ, ngành nên có động tác trả lời cho cử tri, tránh tình trạng cử tri phải nhiều lần gửi kiến nghị về cùng một vấn đề, làm gia tăng số lượng các kiến nghị cử tri gửi tới QH, các cơ quan của QH và ĐBQH.