Thưa Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch ASEAN;
Thưa các vị lãnh đạo Chính phủ các nước thành viên ASEAN;
Thưa các vị Trưởng đoàn Nghị viện các nước thành viên AIPA;
Thưa các quý Bà, quý Ông,
Thay mặt Đoàn đại biểu AIPA, cho phép tôi gửi tới tất cả các quý vị lời chào và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh việc Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch ASEAN đã mời Đoàn đại biểu Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) tham dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo Chính phủ các nước ASEAN. Đây là một diễn đàn quan trọng để hai tổ chức khu vực của chúng ta có cơ hội trao đổi ý kiến ở cấp cao nhất về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và tiếp tục quá trình trao đổi về sự phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN, góp phần xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Thưa các quý vị,
Tuyên bố Ba-li II năm 2003 đã xác định mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Đây là nhiệm vụ to lớn, tầm nhìn về tương lai của ASEAN, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của tất cả các nước thành viên, mà trong đó các cơ quan hành pháp và lập pháp đóng vai trò chủ đạo. Theo sáng kiến của Việt Nam, AIPA đã thông qua nghị quyết về việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên hơn với ASEAN, theo đó Chủ tịch AIPA và Chủ tịch ASEAN tham dự các hoạt động lớn của nhau để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm và phối hợp hành động vì những mục tiêu chung.
Chúng tôi vui mừng nhận thấy, thời gian qua sự hợp tác giữa AIPA và ASEAN ngày càng được đề cao. Phát huy những kết quả đạt được sau hai cuộc gặp không chính thức giữa AIPA và ASEAN tại Thái Lan năm 2009, cuộc họp lần này giữa các nhà lãnh đạo nghị viện và chính phủ các nước ASEAN chính là phương thức hữu hiệu để chúng ta trao đổi thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm để bàn về các giải pháp hỗ trợ lẫn nhau thực hiện thành công tầm nhìn, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và sự phát triển của ASEAN cho các năm tiếp theo.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngày nay AIPA không chỉ lớn mạnh về mặt tổ chức mà còn có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Những kiến nghị của AIPA trên nhiều lĩnh vực đã và đang tác động tích cực tới việc hoạch định chính sách, xây dựng và giám sát việc thực thi pháp luật của các nước thành viên ASEAN. Nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội phát sinh trong quá trình vận động đi lên của khu vực luôn được AIPA quan tâm, để từ đó có những kiến giải tích cực, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của từng thành viên cũng như lợi ích chung của cả khu vực, bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng.
Việc thiết lập cơ chế đối thoại giữa hai cơ quan lập pháp và hành pháp cho thấy vai trò ngày càng tăng của tổ chức liên nghị viện khu vực trong việc thúc đẩy phê chuẩn và giám sát thực thi các hiệp định, thỏa thuận trong ASEAN và giúp đưa ASEAN đến gần với công chúng hơn. Trong giai đoạn hiện nay, các thành viên ASEAN đang gặp phải nhiều thách thức trong đó có việc duy trì sự phục hồi của nền kinh tế và giải quyết các bất ổn xã hội. Các vấn đề này hết sức phức tạp, không nước nào tự giải quyết được mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chung. Đặc biệt, giờ đây khi ASEAN đang đứng trước yêu cầu phải thực hiện các mục tiêu đề ra trong Hiến chương ASEAN, thì việc gia tăng phối hợp giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Thưa các quý vị,
Với vai trò là Chủ tịch AIPA, Việt Nam và các thành viên khác trong AIPA mong muốn trong thời gian tới thúc đẩy hơn nữa hợp tác với ASEAN để:
1. Thực hiện có kết quả các nghị quyết đã đề ra, xem xét vấn đề hài hòa hóa hệ thống pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực như đấu tranh phòng chống ma túy, buôn bán người, vì một ASEAN đoàn kết, hòa bình và thịnh vượng.
2. Hỗ trợ việc xây dựng bản sắc ASEAN và với tư cách là tổ chức của cơ quan lập pháp AIPA có thể triển khai một số chương trình giúp đưa các hoạt động của ASEAN đến với người dân.
3. AIPA mong muốn tăng cường hơn nữa đối thoại, trao đổi giữa AIPA và ASEAN; AIPA không chỉ là một trong “các thể chế liên kết với ASEAN” mà cao hơn thế, AIPA là một đối tác quan trọng nhất của ASEAN trong khu vực; đại diện của AIPA có thể tham dự các phiên họp cấp Bộ trưởng của ASEAN để từ đó có thể học hỏi thêm lần nhau; tiếp tục thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký AIPA nhằm tổ chức thành công các hoạt động của hai tổ chức trong thời gian tới.
4. Nâng cao nhận thức của công chúng về bản sắc ASEAN; về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong duy trì hòa bình và ổn định.
5. Tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy quan hệ với bên ngoài, và tăng cường tham vấn cũng như hợp tác trên các vấn đề đa phương cùng quan tâm.
Cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Quốc hội Việt Nam đang đảm trách Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009 – 2010. Chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các nước thành viên để tổ chức thành công các sự kiện quan trọng của ASEAN cũng như Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 vào tháng 9-2010 tại Việt Nam. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tin tưởng rằng với vai trò vừa là Chủ tịch AIPA và Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có điều kiện đóng góp trực tiếp cho những nỗ lực chung của khu vực nhằm đưa Hiến chương ASEAN vào đời sống và hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN – một cộng đồng của nhân dân, vì nhân dân, đùm bọc và chia sẻ.
Cuối cùng, chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, từ diễn đàn của AIPA – ASEAN lần này, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết, hữu nghị, và hợp tác giữa Nghị viện các nước thành viên AIPA và Chính phủ các nước ASEAN sẽ không ngừng được củng cố, phát triển, cả trên phương diện song phương và đa phương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn.