Khai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/01/2018

Sáng 10/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 20.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Phiên họp thứ 20 diễn ra trong một ngày rưỡi, đây là phiên họp đầu tiên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong năm mới 2018. Tại Phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 3 dự án luật: Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), dự án Luật An ninh mạng, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc điều chỉnh việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ NN-PTNT quản lý đối với dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk; nghe báo cáo về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26).

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội​ Phùng Quốc Hiển, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 cho Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày cho thấy, Luật Kiểm toán nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, đây là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước quy định về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật cho thấy một số quy định của Luật cần được quy định chi tiết nhằm tạo điều kiện triển khai thi hành thuận lợi, hiệu quả. Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 hết sức cần thiết.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu chi tiết hóa một số quy định của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015: Quy định về nhiệm vụ xây dựng và quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước. Khắc phục, tháo gỡ một số khó khăn trong quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động kiểm toán bởi pháp luật hiện còn thiếu những quy cụ thể về chế tài để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Đồng thời, khắc phục quy định hiện hành chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán…

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cho thấy, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về sự cần thiết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, việc Kiểm toán Nhà nước đề xuất ban hành Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ không bao quát hết các nội dung cần sửa đổi, quy định chi tiết. Những nội dung Luật giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết đã thực hiện đầy đủ; nhiều vấn đề bổ sung liên quan đến sửa đổi Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Hơn nữa, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27.11.2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã giao Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước, hoàn thành trong năm 2019. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổng kết, đánh giá toàn diện và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội​ Uông Chu Lưu nêu rõ, thực tế triển khai hoạt động kiểm toán theo Luật Kiểm toán Nhà nước còn có vướng mắc, bất cập. Ngoài ra, trong các quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thanh tra... cũng có nội dung chưa bảo đảm sự kết hợp, phân công rõ ràng để cơ quan nào thực hiện đúng thẩm quyền cơ quan đó. Còn có chồng lấn, trùng lắp dẫn tới khó khăn cho cơ quan kiểm tra, thanh tra cũng như đối tượng thanh, kiểm tra...

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Kiểm toán Nhà nước đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán là các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Chủ thể sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi kiểm toán thì có đúng không? Nếu chủ thể đóng thuế đều phải thuộc diện kiểm toán như dự thảo sẽ quá rộng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có tổng kết, đánh giá cụ thể về các đối tượng này. Có thể, đơn vị được Nhà nước giao quản lý tài sản công mới kiểm toán chứ không phải cái gì liên quan tới thu nộp ngân sách đều kiểm toán. Quan trọng hơn, chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành quy định thẩm quyền xử phạt hành chính. Do đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể ban hành Nghị quyết có nội dung quy định thẩm quyền xử phạt hành chính như đề xuất của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc nghiên cứu để hoàn thiện các quy định tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán là cần thiết. Nhưng việc đề xuất kiểm toán có thẩm quyền xử phạt là vi phạm hành chính là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền tài sản thì phải bằng Luật của Quốc hội, chứ không thể điều chỉnh bởi Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc cụ thể hóa, tạo điều kiện cho hoạt động kiểm toán nhà nước thuận lợi, đúng theo Luật là cần thiết, song các vấn đề cần cụ thể hóa theo đề nghị của Kiểm toán nhà nước lại thuộc các quy định của Luật. Do vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao Tổng kiểm toán Nhà nước tổng kết, rà soát lại tất cả các nội dung của Luật hiện hành và phát hiện vướng mắc, sẽ trình Quốc hội để sửa Luật Kiểm toán nhà nước vào thời điểm thích hợp. Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa thể ban hành một Nghị quyết theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

(Theo ĐBND)