Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại tỉnh Khánh Hòa
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Đức Vinh-Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nêu tóm tắt kết quả thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 7,9% so với năm trước, trong đó GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 8,21%, GRDP bình quân đầu người năm 2017 ước đạt hơn 57 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng ước tăng 7,64% so với năm 2016, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 6,81%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 ước tăng 6,5% so vói cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn ước được 1.220 triệu USD, tăng 0,96% so với năm 2016; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước được 680 triệu USD, giảm 3,5% so với năm 2016. Về doanh thu du lịch ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm 2016; khách lưu trú ước được 5,43 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước được hơn 2 triệu lượt, tăng 73,4%. Thu ngân sách nhà nước ước được 18.964 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2016 và bằng 109,9% dự toán, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước được 6.000 tỷ đồng bằng 125,7 % dự toán; thu nội địa ước được 12.964 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa đầu tháng 11/2017 đã gây thiệt hại rất nặng nề, dẫn đến một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017 như giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng, chỉ số sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo… không đạt được như kế hoạch đề ra. Một số khoản thu ngân sách đạt thấp, trong đó thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương ước đạt 69,8% dự toán.
Báo cáo về tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 12, ông Lê Đức Vinh cho biết, cơn bão bộ trực tiếp vào tỉnh Khánh Hòa có sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Toàn tỉnh có 44 người chết, 1 người mất tích, 229 người bị thương; hơn 2.810 căn nhà sập hoàn toàn, trên 115.580 căn nhà bị hư hại; hơn 300 trường học và 45 cơ sở y tế bị hư hỏng; hơn 36 nghìn ha cây trồng bị ngập và hư hại; trên 370 nghìn gia súc, gia cầm bị chết và bị cuốn trôi; 1.609 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng nặng; 35.785 lồng bè và hơn 1.750 ha ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại hoàn toàn; nhiều công trình thủy lợi, giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng và các cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bị thiệt hại nặng nề ... với tổng thiệt hại ước tính trên 14.700 tỷ đồng.
Tỉnh Khánh Hòa đã thăm hỏi, hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, người bị thương, các trường hợp có nhà sập, nhà bị hư hỏng; không để xảy ra tình trạng người dân đói, khát. Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại với định suất 15kg/khẩu. Trong đó, đã chi 18,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng đã phân bổ 500 tấn gạo (đợt 1) từ Cục dữ trữ Quốc gia đến các huyện, thị xã, thành phổ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ trên 176 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hơn 8.100 nhà sập, hư hỏng, trong đó tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh 135 tỷ đồng và từ nguồn vận động các tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Vinh đã trình bày một số kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong đó đề nghị Quốc hội thống nhất cho phép tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy mô diện tích Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trên cơ sở lấy toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh, với diện tích khoảng 111 nghìn ha, dân số 132 nghìn người, phương án này không phát sinh đơn vị hành chính cấp huyện mới; biên chế cán bộ, công chức không tăng; thuận lợi trong quản lý, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và được nhân dân đồng thuận. Tỉnh kiến nghị được để lại 100% số thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 để thực hiện các chính sách đặc thù tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Sau năm 2030, sẽ xem xét các khoản phân chia giữa ngân sách khu kinh tế Vân Phong với ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. Theo kế hoạch xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Sài Gòn-Nha Trang trong giai đoạn đến 2020 và tuyến đường sắt cao tốc Sài Gòn-Nha Trang trong giai đoạn đến 2030.
Nhằm kết nối hạ tầng giao thông phát triển Đặc khu Bắc Vân Phong, đồng thời kết nối với Khu kinh tế Nam Phú Yên (vì hiện hầm Đèo Cả đã đưa vào sử dụng), ông Lê Đức Vinh đề nghị Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư kéo dài các tuyến đường bộ, đường sắt trên đến khu vực Bắc Vân Phong với chiều dài khoảng 80 km theo các giai đoạn tương ứng trên. Trước mắt, ưu tiên thực hiện trước đoạn từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến khu vực Bắc Vân Phong.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, cho rằng nếu không phải hứng chịu cơn bão số 12, có thể Khánh Hòa sẽ đạt thành tích cao hơn. Đối với việc khắc phục thiệt hại cơn bão số 12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thiệt hại năm nay sẽ ảnh hưởng đến năm tới, cần có thời gian khôi phục, những khó khăn lớn sẽ được Chính phủ xem xét, báo cáo Thường vụ Quốc hội để có phương hướng khắc phục lâu dài.
Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa cần có những giải pháp đồng bộ để giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất; đối với doanh nghiệp bị thiệt hại, tỉnh Khánh Hòa cũng như các bộ ngành chức năng cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như khoanh nợ, giãn nợ, cho vay vốn mới… để doanh nghiệp sớm khôi phục cơ sở sản xuất, nhanh chóng đi vào hoạt động trở lại. Chủ tịch Quốc hội thống nhất chủ trương về phạm vi, diện tích của Khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong theo đề xuất của Khánh Hòa. Địa phương cần chuẩn bị tốt nội dung đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về đề xuất mở rộng quy mô đường cao tốc Bắc-Nam thêm đoạn từ Nha Trang đến Đèo Cả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam nên không thể điều chỉnh.
Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao tặng 500 triệu đồng cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Đây là số tiền do Đảng ủy, Văn phòng Quốc hội quyên góp từ cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan để ủng hộ đồng bào tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra.
+ Trước đó, tại thành phố Nha Trang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Chừng, sinh năm 1921, có chồng và con trai là liệt sỹ, hiện trú tại thôn Võ Tánh 1, xã Vĩnh Lương; đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên đối với vợ chồng ông Đào Mạnh Hùng trú ở thôn Đắc Lộc 2, xã Vĩnh Phương, có con trai là Đào Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 1995, đã thiệt mạng trong cơn bão số 12.
Tại Khu công nghiệp Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm cơ sở sản xuất của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Khuê, bị thiệt hại 40 tỷ đồng do cơn bão số 12 và thăm Kho nguyên liệu sản xuất thuốc lá thuộc Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco), cơ sở này bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng do bão. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ân cần chia sẻ những tổn thất của doanh nghiệp phải gánh chịu, đồng thời động viên lãnh đạo doanh nghiệp cố gắng khắc phục hậu quả, sớm ổn định để đi vào sản xuất trở lại, chăm lo tốt đời sống cho người lao động.