Công bố 6 Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4

14/12/2017

Căn cứ Điều 88 và Điều 91 Hiến pháp năm 2013 và Điều 88 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước ký ban hành các Lệnh công bố Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4. Sáng 14/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 Luật này.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 Luật

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố 6 Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 gồm:

1. Lệnh số 13/2017/L-CTN ngày 29 tháng 11 năm 2017 về việc công bố Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2017.

2. Lệnh số 14/2017/L-CTN ngày 04 tháng 12 năm 2017 về việc công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2017.

3. Lệnh số 15/2017/L-CTN ngày 05 tháng 12 năm 2017 về việc công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017.

4. Lệnh số 16/2017/L-CTN ngày 05 tháng 12 năm 2017 về việc công bố Luật Thủy sản đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017.

5. Lệnh số 17/2017/L-CTN ngày 05 tháng 12 năm 2017 về việc công bố Luật Quản lý nợ công đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2017.

6. Lệnh số 18/2017/L-CTN ngày 05 tháng 12 năm 2017 về việc công bố Luật Quy hoạch đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2017.

Thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp năm 2013

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004. Đây là luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân, đặc biệt những người làm nghề rừng. Phạm vi điều chỉnh của Luật đã mở rộng theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế- kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

Luật Lâm nghiệp thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp năm 2013; quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng rồng do tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng đã quy định về chế biến và thương mại lâm sản (Chương VII) để kết nối với giai đoạn bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; Luật quy định quản lý rừng bền vững (Điều 27)- Đây là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp bảo đảm rừng được quản lý bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.... 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung để minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 Điều. Trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 28 điều. Điều 2 về điều khoản thi hành. Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm về người có liên quan, đồng thời bổ sung giải thích một số thuật ngữ về xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như thuật ngữ can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, bên nhận chuyển giao, tổ chức tín dụng hỗ trợ; thêm trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng. Quy định này để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung để minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo. Cụ thể: Bổ sung quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 126,127,128 Luật Các tổ chức tín dụng; bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác...

Để triển khai thi hành Luật, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật này để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất. Ngân hàng Nhà nước dự kiến cũng sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến các nội dung cơ bản của Luật trong toàn ngành.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018.

Quy định tiêu chuẩn, một số chế độ, chính sách mới đối với thành viên cơ quan đại diện

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quy định mới của Đảng về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoài, bảo đảm phù hợp với các luật chuyên ngành có liên quan, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Cơ quan đại diện năm 2009, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đáp ứng yêu cầu chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng và toàn diện trong giai đoạn hiện nay.

Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật Cơ quan đại diện hiện hành.

Liên quan đến các nhiệm vụ của cơ quan đại diện, Luật bao gồm 5 nội dung: Sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của quy định về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện thống nhất quản lý thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đại diện về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại của cơ quan đại diện và quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện; bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, bảo dảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành.

Liên quan đến bổ nhiệm thành viên cơ quan đại diện, Luật bao gồm 3 nội dung: Quy định về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Quy định về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện. Quy định rõ chức vụ ngoại giao của người đứng dầu cơ quan đại diện tại Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế khác.

Về chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện, Luật quy định về một số chế độ, chính sách mới, bao gồm: bảo đảm chi phí đi lại cho thành viên cơ quan đại diện và vợ hoặc chồng được cử đi công tác nhiệm kỳ trong trường hợp có việc hiếu; hỗ trợ một phần học phí tại sở tại và chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam

Luật Thủy sản năm 2017 gồm 9 chương với 105 điều. Giảm 1 chương và tăng 43 điều so với Luật Thủy sản năm 2003. Về cơ bản, Luật giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản năm 2003, trong đó thay đổi về kết cấu, như bổ sung một chương kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.

Những nội dung mới của Luật Thủy sản là quy định về hội đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản; quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng; về nuôi trồng thủy sản; cấp phép khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá; về cảng cá; nội luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Đối với quy định về Kiểm ngư (Chương VI từ Điều 89 - Điều 95), Luật khẳng định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hệ thống Kiểm ngư bao gồm: Kiểm ngư trung ương và kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Kiểm ngư tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Luật khẳng định: Tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư được nộp vào ngân sách Nhà nước và Cơ quan Kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư.

Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019.

Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.

Những nội dung cơ bản của Luật như nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ; quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ cả chính quyền địa phương, bảo đảm khả năng trả nợ công.

So với Luật hiện hành, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Luật quản lý nợ công phân cũng định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất về nợ công, giao một cơ quan là Bộ tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất, tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

Cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021 - 2030

Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 Phụ lục. Luật là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công; tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương để hướng tới việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia; tăng cường liên kết vùng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; khắc phục tình trạng "xin-cho" các dự án trong quy hoạch...

Việc ban hành Luật Quy hoạch có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vì đây là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021 - 2030.

Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.

Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018.

Tin: Quang Minh/ Ảnh: Tuấn Anh

Các bài viết khác