Quốc hội Việt Nam là điểm kết nối tin cậy và được tôn trọng trong AIPA

06/04/2010

Qua việc thực hiện có trách nhiệm vai trò thành viên AIPA, QH Việt Nam được bạn bè các nước trong khu vực tôn trọng, trở thành điểm kết nối, tin cậy với bạn bè quốc tế; là nhân tố bảo đảm sự đoàn kết, hợp tác trong khu vực.

 Qua đó, QH góp phần thực hiện thành công đường lối, chính sách, nội dung đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Nhà nước ta - PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI, PHÓ TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐỒNG AIPA 31 NGÔ ĐỨC MẠNH chia sẻ với PV Báo ĐBND.

PV: Phó chủ nhiệm có thể cho biết những nét khái quát về AIPA kể từ khi thành lập đến nay?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam Á gọi tắt là AIPA được thành lập từ tháng 9.1977, trước đây gọi là Tổ chức Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á  (AIPO) do 5 nước sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sáng kiến thành lập AIPO nay là AIPA nhằm tăng cường sự liên kết giữa nghị viện các nước,  thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các nghị viện để sự liên kết khu vực ngày càng phát triển và chặt chẽ hơn.

Cho đến nay, AIPA có lịch sử hơn 32 năm hình thành và phát triển, hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Hiện AIPA đã trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện của khu vực ngày càng chặt chẽ hơn, gồm 9 nước thành viên là: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam; Myanmar là quan sát viên đặc biệt.

Tại Đại hội đồng lần thứ 28, AIPA ban hành điều lệ mới, tạo cơ sở pháp lý nhằm kiện toàn tổ chức, hoạt động; bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Đại hội đồng để đưa ra các sáng kiến về chính sách lập pháp phù hợp. Theo điều lệ mới này, Hội nghị Ban Chấp hành AIPA sẽ không còn là một phiên họp mang tính nghi thức trước thềm Đại hội đồng mà có thể được tiến hành trước kỳ Đại hội đồng 3 tháng để chuẩn bị và quyết định thực chất toàn bộ nội dung của Đại hội đồng. AIPA cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên giữa AIPA và ASEAN, mời lãnh đạo ASEAN và AIPA tham dự các kỳ họp Đại hội đồng và Hội nghị thường niên cấp cao của nhau nhằm trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm, phối hợp hành động vì những mục tiêu chung của khu vực.

PV: Những điều kể trên cho thấy, rõ ràng hoạt động của AIPA ngày càng đi vào thực chất, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Hoạt động của AIPA càng thiết thực, cụ thể hơn. Đại hội đồìng AIPA không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa các nghị sỹ mà còn là cơ hội để các bên trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp. Thông qua các Ủy ban chuyên môn tại Đại hội đồng, các nghị sỹ có dịp bàn sâu về các vấn đề quan tâm chung của khu vực, thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trong thời gian qua, AIPA đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết về vấn đề nâng cao nhận thức đoàn kết xây dựng Cộng đồng ASEAN; Nghị quyết thúc đẩy tự do hóa thương mại; Nghị quyết khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế; phát triển kinh tế bền vững; phát huy vai trò của nghị sỹ trong công tác xây dựng pháp luật; vấn đề biến đổi khí hậu; giữ gìn bản sắc văn hóa ASEAN... Đây là những chủ đề được nghị viện các nước thành viên AIPA nhất trí cao, qua đó, đề cao được vai trò của các nghị sỹ và góp phần hỗ trợ Chính phủ các nước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

PV: Thưa Phó chủ nhiệm, AIPA hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận – nguyên tắc này có thuận lợi và khó khăn gì đối với AIPA và đối với mỗi nghị viện thành viên?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Nguyên tắc đồng thuận là nguyên tắc chủ đạo chi phối toàn bộ hoạt động của ASEAN cũng như các nước thành viên AIPA. Rõ ràng khi đạt được sự đồng thuận, sẽ tạo được tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các nghị quyết của AIPA. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện nhận thức, tiếng nói chung của các nước thành viên AIPA đối với những vấn đề hợp tác của khu vực, những thách thức, khó khăn mà các nước đang phải đối mặt. Khó khăn là AIPA cần phải lựa chọn được đúng và trúng vấn đề, không chỉ là mối quan tâm riêng của một nước nào đó mà phải là mối quan tâm chung của các nước thành viên. Tiếp đó, cần phải có cách thức ứng xử linh hoạt, vừa bảo đảm giữ đúng nguyên tắc, tuân thủ quy trình, thủ tục của AIPA để chuẩn bị, trình và đi đến thống nhất. Điều này đòi hỏi các nghị viện thành viên phải có sự kiên nhẫn, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Ví dụ, trong ASEAN, mức độ phát triển kinh tế cũng có sự khác biệt giữa các nước và các nhóm nước; hoặc vấn đề an ninh thì không phải nước nào cũng có mối quan tâm như nhau. Do đó, cần chia sẻ, thông cảm và thuyết phục lẫn nhau để có giải pháp hợp tình hợp lý. Tôi cho rằng, đây là những đặc điểm đặc thù trong hoạt động đối ngoại của QH, thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng mặt thuận lợi là nổi trội, bổ sung và làm sâu sắc phương thức ASEAN trong việc xử lý những vấn đề của khu vực.

PV: QH nước ta tham gia AIPA từ năm 1995. Vậy Phó chủ nhiệm, có thể cho biết những đóng góp chính của QH Việt Nam đối với tiến trình phát triển của AIPA?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta, QH Việt Nam trở thành thành viên AIPA vào năm 1995, đúng vào năm nước ta gia nhập ASEAN. Việc QH nước ta tham gia AIPA, trước hết là đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; làm cho bạn bè hiểu rõ hơn về chính sách Đổi mới của Việt Nam, quan điểm của nước ta về các vấn đề an ninh, hợp tác khu vực và với thế giới; qua đó, làm cho bạn bè hiểu biết và tin cậy Việt Nam hơn.

Chúng ta chủ động, tích cực, thực hiện có trách nhiệm của nước thành viên AIPA; tham gia đầy đủ tất cả các kỳ Đại hội đồng, có nhiều sáng kiến được các nước thành viên nhất trí cao, được ban hành thành nghị quyết của AIPA. Các nghị quyết ấy phản ánh được tâm tư, nguyện vọng và mong muốn chung của nhân dân các nước trong khu vực. Ví dụ như Nghị quyết về tăng cường sự phối hợp giữa AIPA với ASEAN, tăng cường sự phối hợp giữa 2 tổ chức Nghị viện và Chính phủ ở khu vực để thực hiện có kết quả tầm nhìn và kế hoạch hành động hợp tác trong ASEAN; Nghị quyết về tôn vinh những người có công lao đóng góp cho AIPO.

Qua việc thực hiện có trách nhiệm vai trò thành viên AIPA, QH Việt Nam được bạn bè các nước trong khu vực tôn trọng, trở thành điểm kết nối, là nhân tố bảo đảm sự đoàn kết, hợp tác trong khu vực và tạo được sự tin cậy của bạn bè. Qua đó, góp phần cùng với Chính phủ triển khai thực hiện thành công đường lối, chính sách, nội dung đối ngoại của Việt Nam.

PV: Những đóng góp của QH Việt Nam đối với AIPA không chỉ có ý nghĩa đối với tổ chức liên nghị viện của khu vực, có đúng không, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Tôi nghĩ rằng, những đóng góp của chúng ta, ở mỗi phương diện, mỗi khía cạnh đều có ý nghĩa và sắc thái riêng. Tuy vậy, đóng góp nổi bật nhất là chúng ta là làm cho bạn bè trong khu vực hiểu về đường lối đối ngoại của chúng ta, hiểu về đất nước, về QH Việt Nam. Thông qua kênh hoạt động đối ngoại của QH đã giúp tăng cường sự hợp tác giữa QH ta với nghị viện các nước, với bạn bè và nhân dân các nước trong khu vực.

Chúng ta đã có rất nhiều sáng kiến đề xuất để AIPA hoạt động ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Gần đây nhất, theo sáng kiến của QH nước ta, AIPA đã ban hành Nghị quyết về phát huy vai trò của nữ nghị sỹ trong công tác xây dựng pháp luật. Thông qua đề xuất này, chúng ta giới thiệu về chính sách bình đẳng giới của chúng ta và những kinh nghiệm của QH Việt Nam về vấn đề này. Điều thú vị ở chỗ chúng ta đã có những thành công trong việc thực hiện chính sách bình đẳng giới, đề cao vai trò của phụ nữ, có tỷ lệ nữ ĐBQH rất cao.

Hay cũng có thể kể đến đề xuất của QH Việt Nam về khắc phục khủng hoảng kinh tế và phát triển bền vững tại Đại hội đồng AIPA 30 năm 2009 được các nước ủng hộ. Bởi đề xuất này đề cập đúng và trúng mối quan tâm chung của cả khu vực và từng quốc gia trong thời điểm đó. Vào đầu tháng 3 vừa rồi, QH Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị chuyên đề về khắc phục khủng hoảng kinh tế thế giới và phát triển bền vững, quy tụ đại biểu đến từ các nước thành viên AIPA và các tổ chức quốc tế. Những khuyến nghị mà Hội nghị đưa ra không chỉ thúc đẩy nghị viện các nước tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật mà còn hỗ trợ Chính phủ các nước trong việc đề ra các giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm bảo đảm phát triển bền vững và giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội.

PV: Những nghị quyết của AIPA mang tính chất khuyến nghị hơn là bắt buộc. Theo Phó chủ nhiệm, làm thế nào để những Nghị quyết của AIPA đi vào thực tế?

PCN NGÔ ĐỨC MẠNH: Thời gian qua, AIPO và AIPA đã ban hành rất nhiều nghị quyết. Ví dụ như tại Hội đồng AIPA lần thứ 28 tổ chức ở Malaysia 2007, AIPA đã ban hành 48 nghị quyết. Các kỳ AIPA khác cũng ban hành hàng chục nghị quyết. Những nghị quyết này đã thể hiện được ý nguyện, mong muốn của nghị viện các nước thành viên AIPA đối với những vấn đề hợp tác khu vực, những vấn đề mà các nước quan tâm.

Nhưng yêu cầu đặt ra hiện nay không chỉ là ban hành nghị quyết mà  phải thực hiện có kết quả. Về vấn đề này thì AIPA cũng có những sáng kiến để tổ chức triển khai. Trước hết, đã ban hành nghị quyết để đề nghị nghị viện các nước khẩn trương, tích cực lồng ghép nội dung của nghị quyết ấy vào chính  sách pháp luật cụ thể của từng nước. Thứ hai, là phát huy vai trò giám sát của nghị viện các nước đối với việc thực  hiện các nghị quyết. Thứ ba, tăng cường về sự hiểu biết và thông tin truyền thông về các nghị quyết, sáng kiến của AIPA. Cuối cùng là, cần có sự phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan của Chính phủ ở mỗi nước trong việc thực hiện các nghị quyết của AIPA. Nghị viện các nước cần và có thể phải làm nhiều hơn nữa trong việc thúc đẩy Chính phủ các nước tổ chức triển khai thực hiện các quyết định của AIPA như: đề ra cơ chế định kỳ báo cáo với QH ở mỗi nước về việc triển khai thực hiện các nghị quyết ấy như thế nào. Chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với nghị viện các nước để huy động và sử dụng đồng bộ các giải pháp đã nêu để đưa các quyết sách của AIPA vào cuộc sống.

PV:  Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

 

 

Hải Yến - Lệ Thủy thực hiện

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác