Tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố với trên 92 nghìn người thuộc 50 thành phần dân tộc, chiếm 1,2% dân số toàn thành phố. Trong đó, chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao và một số dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô cư trú tập trung theo cộng đồng thôn, xã tại 154 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, chiếm 57,4% người dân tộc thiểu số toàn thành phố, trong đó chủ yếu là người Mường và người Dao.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm, có xã đạt 35 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trên 60% đường trục thôn được bê tông hóa.
Hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh, trong đó trên 50% kênh mương được kiên cố hóa. 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất. 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới Internet đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020, hiện nay, Hà Nội không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 4 xã thuộc khu vực II và 10 xã thuộc khu vực I, trong đó có 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Điều 5 Hiến pháp đã khẳng định: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và chia vui với những thành tích Thủ đô đã đạt được trong công tác phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chúc mừng và biểu dương Hà Nội đã chủ động tổ chức Hội nghị này; chúc mừng những người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số và các đại biểu được tuyên dương trong Hội nghị lần này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đòi hỏi công tác dân tộc phải luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành thành phố cần tập trung tiếp tục quán triệt và triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, công tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, phối hợp cả hệ thống chính trị triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển Kkinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, đồng thời bám sát đặc thù, phát huy kinh nghiệm của thành phố hỗ trợ phát triển sản xuất để đồng bào tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Phó Chủ tịch lưu ý thành phố tiếp tục chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Chú trọng việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở cơ sở như người có uy tín, trưởng thôn và tạo cơ chế chính sách, khen thưởng kịp thời. Tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, người dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô; coi đây là lượng lượng nòng cốt để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố vào cuộc sống và là những người gương mẫu đi đầu trong phát triển sản xuất, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân,phòng chống tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế chính sách để thành phố chủ động triển khai thực hiện các chính sách có hiệu quả hơn nữa. Hà Nội cần tận dụng tối đa nguồn lực, ưu tiên cho việc tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô.
Với tinh thần này, Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng, công tác dân tộc, công tác đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô sẽ có nhiều thành công và Thủ đô sẽ có nhiều tấm gương điển hình, có thành tích xuất sắc hơn nữa trong lĩnh vực này.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã tặng quà cho 30 hộ gia đình tiêu biểu. Ủy ban nhân dân thành phố đã tặng Bằng khen cho 14 người có uy tín, 14 trưởng thôn, 14 người dân tộc thiểu số; Trưởng ban Dân tộc tặng Giấy khen cho 40 người.