Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn về tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài

18/11/2017

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, sáng 18/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Nội dung chất vấn tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, chống tham nhũng; việc nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp...

Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh – tỉnh Bình Dương phát biểu chất vấn tại Hội trường    Ảnh: Đình Nam

Tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh – tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian vừa qua, tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động gây bức xúc trong xã hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Đại biểu nhấn mạnh, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và gần đây nhất là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều có quy định: Tổ chức công đoàn có quyền đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án, khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các đơn khởi kiện của tổ chức công đoàn đều bị Tòa án trả lại. Lý do trả lại đơn khởi kiện cũng không thống nhất. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân của những vướng mắc trên là do đâu? Và giải pháp nào để tháo gỡ những vướng mắc này để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện của mình đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội đã được pháp luật quy định.

Trả lời chất vấn về tình trạng nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay có 102.900 đơn vị còn đang nợ bảo hiểm, nợ của 2,6 triệu lao động, với số tiền nợ là 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.840 vụ và yêu cầu trả khoảng 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ và tuyên các doanh nghiệp phải trả và thu hồi được 16% số nợ bảo hiểm phải trả. Còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.

Theo Chánh án, vướng mắc hiện nay là quy định của luật giao bảo hiểm có quyền kiểm tra, xử phạt, sau khi kiểm tra xử phạt theo trình tự hành chính xong thì Tòa mới giải quyết. Tòa có công văn yêu cầu không thụ lý đơn này nữa vì không đúng với quy định của quy trình tố tụng hiện hành.

Theo một số văn bản, Liên đoàn Lao động có quyền khởi kiện các doanh nghiệp. Thời gian qua, Công đoàn đã khởi kiện 138 vụ. Quá trình xét xử cũng vướng về một số quy định pháp lý. Đó là đại diện công đoàn không được người lao động ủy quyền, nên thông tin ra trước Tòa để bảo vệ phần khởi kiện là không chắc chắn. Mặc dù kiện nhưng lại không bảo vệ được. Do vậy có vướng về mặt luật, vì xem đây là kiện dân sự nên bên nguyên đơn và bị đơn bình đẳng với nhau. Trong trường hợp này thì công đoàn khởi kiện nhưng công đoàn lại không có quyền thỏa thuận về đóng bảo hiểm, do đó, vụ án cũng không giải quyết được. Chánh án nhấn mạnh, đây là thực tế nóng, muốn hay không thì cũng phải giải quyết, bởi nếu để nợ đọng bảo hiểm thì không bảo đảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu hay đi khám bệnh. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự, theo đó, sau ngày 1/1/2018, các hành vi vi phạm đến nợ bảo hiểm bắt buộc thì coi là tội phạm. Nếu vụ án hình sự xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc, Viện kiểm sát truy tố thì trách nhiệm của Tòa án các cấp phải thụ lý.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Đồng tình với nguyên nhân dẫn đến vướng mắc Công đoàn gặp phải trong thực hiện quyền khởi kiện mà Chánh án đã nêu là do quy định của pháp luật và từ phía tổ chức Công đoàn, nhưng đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh – tỉnh Bình Dương chưa đồng tình với giải pháp mà Chánh án đưa ra, đó là sắp tới tiến hành xử lý hình sự các doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp có thể thu hồi, giảm bớt các khản nợ bảo hiểm xã hội, nhưng không phải giải pháp để thực hiện quyền khởi kiện của Công đoàn.

Hiện nay, có đến 4 luật quy định quyền tổ chức công đoàn được đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động bị xâm phạm. Quyền của tổ chức công đoàn cũng chính là trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động. Nếu pháp luật quy định như thế, nhưng thực tế không thực hiện được thì pháp luật chỉ nằm trên giấy, điều này gây bức xúc cho cử tri là người lao động trong thời gian vừa qua. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội tiến hành nghiên cứu, rà soát tháo gỡ vướng mắc này từ quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – tỉnh Bến Tre cho rằng, tại Điều 10 Hiến pháp và Điều 1, Luật Công đoàn 2013 đã quy định, Công đoàn đại diện cho người lao động. Chánh án lại giải thích Công đoàn phải nhận giấy ủy quyền có đóng dấu và có chữ ký, công chứng - đây là quyết định có tính vi hiến. Mọi quy định phải tuân theo Hiến pháp, không thể có quy định khác vượt Hiến pháp và không thể áp dụng quy định khác, đặt ra quy định khác được.

Theo quan điểm của đại biểu, hành vi chiếm đoạt bảo hiểm của người lao động là hành vi vi phạm pháp luật và phải được xét xử, chứ không phải là đi khởi kiện. Có thể xử lý mặt hành chính, sai áp tài sản của doanh nghiệp, nhưng không phải buộc Công đoàn hay tổ chức nào, hay người lao động đứng ra khởi kiện trước Tòa án.

Trả lời các ý kiến này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện Tòa án nhân dân đang rà soát và cho thấy rất khó khăn trong giải quyết tại Tòa. Còn việc trả lời của Tòa án cấp dưới, lúc phải có ủy quyền, lúc thì không cần ủy quyền với lý do khác nhau. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, với hạ tầng pháp lý hiện tại, Tòa án đã đúng. Việc trốn đóng bảo hiểm cũng được xử lý theo trình tự hành chính, việc này được giao cho bảo hiểm kiểm tra và ra các quyết định xử phạt. Đây là trình tự hành chính, do vậy không phải tất cả các vụ án đều xử lý theo trình tự tố tụng hình sự.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến – Tp. Hà Nội phát biểu chất vấn tại Hội trường

Thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự diễn ra phổ biến

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến – Tp. Hà Nội cho biết, thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự hiện nay diễn ra không ít. Điều này phản ánh hiện trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như sai lầm về nhiệm vụ trong xét xử không mấy thay đổi. Cử tri gửi đơn phản ánh về vụ án bị án đang thụ lý nhưng lại bị đưa xét xử lần 2 trái với quy định tại Điều 31 của Hiến pháp: Một người không bị xét xử 2 lần về cùng 1 hành vi phạm tội. Hoặc có vụ cử tri gửi đơn kêu cứu tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất nhưng do án bị hủy phải sửa đi, sửa lại tới 7 lần, kéo dài gần 10 năm đang trở lại sơ thẩm từ đầu.

Thừa nhận thực tế có xảy ra tình trạng này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đến tháng 7/2017 đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Việc trả điều tra bổ sung vì xét thấy có dấu hiệu chưa đủ bằng chứng kết tội, bỏ lọt tội phạm, hoặc bỏ sót tình tiết. Về nguyên nhân để xảy ra vụ án kéo dài thời gian xét xử, Chánh án cho biết, nguyên nhân đầu tiên do chất lượng điều tra vụ án, chất lượng công tác công tố có vấn đề. Ngoài ra, về phía thẩm phán, vẫn còn những thẩm phán không tuân thủ đúng quy định pháp luật, có nể nang khi tuyên án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, giải pháp của việc này không có cách nào khác là các cơ quan điều tra, truy tố phải nâng cao chất lượng điều tra, truy tố. Tòa án Nhân dân Tối cao quán triệt các thẩm phán tuân thủ quy định pháp luật, không được trả quá nhiều lần. Trong trường hợp không đủ yếu tố kết tội phải tuân nguyên tắc không đủ yếu tố kết tội. Khẳng định Bộ luật Hình sự năm 2015 là bước tiến dài về quy trình xét xử các vụ án hình sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Tòa án trước khi trả hồ sơ điều tra bổ sung phải nêu rõ lý do và khi nhận lại sẽ kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu.

Phát biểu kết luận Phiên trả lời chất vấn của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên chất vấn sáng nay, đã có 30 đại biểu Quốc hội chất vấn, 10 đại biểu Quốc hội tranh luận, còn 11 đại biểu Quốc hội chưa được chất vấn sẽ gửi câu hỏi trả lời chất vấn tới Tổng thư ký Quốc hội và Chánh án sẽ trả lời bằng văn bản.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy công tác xét xử của tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành tòa án đã được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành tòa án cần phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đề nghị Chánh án và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn.

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các nội dung đã được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân khẩn trương chủ động triển khai thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết về tư pháp, trong đó có Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành để đảm bảo kịp thời quy định mới sớm được thực thi đầy đủ và được áp dụng thống nhất.

Về vụ án, vụ việc phải xử đi, xử lại nhiều lần, Tòa án cần phấn đấu để không xảy ra việc kết án oan sai, người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định. Cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Đồng thời, cần có các biện pháp cụ thể, căn cơ để tập trung xử lý giải quyết những đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh việc biến xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử. Bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án phải được chuyển đến người bị kết án, đương sự, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử nhằm kịp thời hướng dẫn, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án tuyên có sai sót và thống nhất công tác xét xử liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội.

Vân Ngọc