Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

15/11/2017

Chiều 15/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Theo Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, sau thực tiễn mười năm thi hành, Luật thể dục, thể thao, đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực: tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của thể dục, thể thao trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật Thể dục, thể thao đã bộc lộ một số bất cập dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Luật Thể dục, thể thao năm 2006; bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới.

Về vấn đề giáo dục thể chất trong nhà trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng- TP Hà Nội cho rằng, hiện nay giáo dục thể chất trong nhà trường đang có sự mất cân đối giữa giáo dục trí lực và giáo dục thể lực. Số tiết học trong tuần của môn thể dục, giáo dục thể chất chênh lệch quá nhiều đối với các môn học khác. Theo đại biểu, sự cần thiết của giáo dục thể chất là cần thiết ngang các môn học Văn hay Toán. Bên cạnh đó, hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường không phải là hoạt động tự nguyện mà cần phải xác định là hoạt động ưu tiên. Do vậy, dự thảo luật cần có quy định để điều chỉnh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường- tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu ý kiến

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường- tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, phát triển giáo dục thể chất trong học đường là đường lối đúng đắn của Đảng giúp các em học sinh luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc, góp phần giúp các em tránh xa các tệ nạn như nghiện game hay bạo lực. Tuy nhiên, đại biểu biết, thời gian qua hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường thời gian qua còn mang tính hình thức. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần phải kêu gọi đầu tư và nâng cao chất lượng thể thao học đường, nhất là môn bơi lội để giảm nạn đuối nước còn xảy ra hiện nay.

Đồng tình với điều này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- tỉnh Bến Tre cho rằng, cần bổ sung các môn thể thao cổ truyền vào chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường để bảo tồn các môn thể thao truyền thống của dân tộc.

Liên quan đến nội dung thể thao thành tích cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh- tỉnh Bình Định cho rằng, thể thao thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao phù hợp với thể trạng của các vận động viên Việt Nam. Đại biểu cho biết, thời gian qua, hầu hết những giải cao mà các vận động viên Châu Á và khu vực đạt được tại các cuộc thi quốc tế hầu hết là những môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, chính xác hơn là những môn thể thao yêu cầu vượt trội về thể trạng. Đại biểu cho rằng, đấu kiếm và bắn cung là hai môn thể thao thuộc thế mạnh của Việt Nam. Do vậy, để hoạt động thể dục, thể thao thành tích cao có hiệu quả và đạt được giải cao tại các cuộc thi quốc tế và khu vực, chúng ta cần đầu tư tập trung và đẩy mạnh xã hội hóa đối với 02 môn này. Đồng thời, đề nghị cho phép các doanh nghiệp thể dục, thể thao được nhập khẩu vũ khí thô sơ để phục vụ cho việc tập luyện.  

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - tỉnh Lâm Đồng  phát biểu ý kiến

Quan tâm đến chính sách đối với vận động viên thành tích cao sau khi giải nghệ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - tỉnh Lâm Đồng bày tỏ băn khoăn, cuộc sống sau khi giải nghệ của các vận động viên thể thao thành tích cao dính chấn thương thường là tình trạng sức khỏe đau ốm dai dẳng, không nghề nghiệp ổn định đã trở thành mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, để hoàn thiện tính chuyên nghiệp của thể thao nhà nghề, ban soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu ra việc làm sau khi giải nghệ đối với các đối tượng vận động viên này.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh- tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh- tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, đối với khoản I điểm 1 điều 32 quy định vận động viên thể thao thành tích cao bị tai nạn hoặc chết thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng trợ cấp cần phải mở rộng, bổ sung thêm đối vận động viên đội tuyển cấp tỉnh được hưởng trợ cấp, đảm bảo công bằng để các vận động viên yên tâm cống hiến. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, hiện nay, sự đóng góp của các nữ vận động viên thành tích cao ngày càng được ghi nhận cụ thể như ở các môn: bóng đá, bóng chuyền điền kinh bơi lội. Tuy nhiên, việc đầu tư chính sách đãi ngộ cho vận động viên nữ vẫn còn hạn chế. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chế độ ưu tiên cho các đối tượng này sau khi giải nghệ.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận về những nội dung liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thi đấu thể thao quần chúng; quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao; phát triển thể thao chuyên nghiệp và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao; quan điểm xã hội hóa và các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực thể dục, thể thao...

Thu Phương

Các bài viết khác