Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về nội dung luật và tiếp tục thảo luận hội trường ở kỳ họp này.
Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến - tỉnh Vĩnh Phúc hoàn toàn nhất trí với phạm vi nợ công như dự thảo, cụ thể nợ công bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, còn nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ tự vay, tự trả của các đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do Ngân hàng nhà nước phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ đã được các luật tương ứng điều chỉnh, đồng thời phạm vi nợ công theo quy định của luật này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại phiên họp
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo- tỉnh Lâm Đồng thống nhất với phạm vi nợ công được thể hiện trong dự thảo luật và quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong báo cáo giải trình là không đưa vào phạm vi nợ công một số khoản nợ như nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước; nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ; nợ xây dựng cơ bản... Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc quy định các khoản nợ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là không cần thiết bởi thực tế còn nhiều khoản nợ khác như nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bù cấp lãi suất đối với 2 ngân hàng chính sách cũng không thuộc phạm vi nợ công. Nếu quy định như ở khoản 3, Điều 1 là vừa thừa, vừa không đầy đủ. Theo đại biểu, chỉ cần quy định rõ "nợ công quy định tại luật này bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương" như ở khoản 2, Điều 1 là đầy đủ.
Thảo luận về đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hoàn toàn nhất trí như Điều 15 của dự thảo và như giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, vì việc thống nhất một cơ quan làm đầu mối quản lý vay nợ trong nước và ngoài nước là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm. Chính việc thống nhất một đầu mối sẽ khắc phục được tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Việc quy định thống nhất một đầu mối cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông phát biểu tại Hội trường
Đồng tình với điều này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang- tỉnh Đắk Nông nêu rõ, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công nhưng có sự khác nhau về nội dung phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đại biểu đề nghị luật chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và có thể quy định khái quát một số nhiệm vụ có sự thống nhất cao. Quy định như vậy cũng thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Trong quá trình triển khai thi hành luật, Chính phủ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm thể hiện đúng vai trò của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về nợ công. Đồng thời, thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về khắc phục hạn chế trong thời gian vừa qua.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo- tỉnh Lâm Đồng lại cho rằng, việc quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ được quy định tại khoản 3 Điều 15 là còn quy định rất chung chung, dễ bị chồng chéo trong việc phân công nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, xem xét quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công như trong quá trình đàm phán, thỏa thuận vay đối với các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định cơ quan quản lý ngành được quy định tại Điều 48 về trách nhiệm của các cơ quan cấp bảo lãnh, đối tượng được bảo lãnh và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành. Vì quy định này chưa được đề cập tại Chương II về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong quản lý nhà nước về nợ công được thể hiện tại Điều 20 của dự án luật.
Dự kiến ngày 23/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.