Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về 2 chủ đề nghiên cứu: lựa chọn địa vị pháp lý phù hợp cho Ngân hàng nhà nước với mục tiêu xây dựng Ngân hàng nhà nước trở thành ngân hàng trung ương hiện đại và phù hợp với chế độ chính trị của Việt Nam; vai trò và chức năng của QH, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Kết quả nghiên cứu cho thấy: mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương ở các nước tỷ lệ nghịch với lạm phát và thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Để bảo đảm tính độc lập của Ngân hàng Trung ương cần cân bằng các nguyên tắc: coi ổn định mặt bằng giá là mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ; bảo đảm sự tự chủ trong việc xác lập lãi suất mục tiêu; phát triển thị trường tài chính để tăng hiệu lực dẫn truyền chính sách…
Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật Ngân hàng nhà nước (sửa đổi) đã được tiếp thu theo hướng nâng cao tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ, về tổ chức, nhân sự… Và khuyến nghị xem xét tăng tính độc lập, tự chủ của ngân hàng trung ương về địa vị pháp lý, tài chính, nhân sự, quyết định chính sách.