Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Anh đã đọc diễn văn kỷ niệm, ôn lại những chặng đường lịch sử mà quân và dân Quảng Nam đã trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã có 64.000 người con của Quảng Nam đã ngã xuống, hơn 7.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và biết bao hy sinh to lớn của đồng bào Quảng Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử 24.3.1975, giải phóng tỉnh Quảng Nam, góp phần vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua 35 năm giải phóng, xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam đã chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp và dịch vụ chiếm 75%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 9 lần, giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 13 lần, thu ngân sách 2.500 tỷ đồng, tăng 16 lần so với năm 1997 (khi chia tách tỉnh). Khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, các cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống... được hình thành và phát triển, thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Năng lực sản xuất và dịch vụ tăng đáng kể, làm tiền đề đột phá để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiệån đại hóa tỉnh Quảng Nam. Hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được hình thành và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tỉnh Quảng Nam đang tập trung sử dụng có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, vốn đầu tư tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ ở khu vực phía Đông của tỉnh gắn với việc bảo tồn, khai thác các di sản văn hóa, thiên nhiên và môi trường sinh thái. Tập trung mọi nguồn lực nhằm tạo bước đột phá đồng bộ trong thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu là: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế xã hội; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, năng lực tiếp thu các dự án đầu tư và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa…