Vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu còn diễn ra công khai, thiếu lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển Ảnh: Đình Nam
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnh Ninh Thuận cho rằng, mặc dù Báo cáo của Chính phủ nêu "tình trạng buôn lậu vẫn đang xảy ra", nhưng trên thực tế, tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên đất liền cũng như trên biển. Thiệt hại mà buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê, để từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Qua khảo sát thực tế tại một số tỉnh, đại biểu cho biết, việc vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai vào những thời điểm nhất định trong ngày như ở Châu Đốc (tỉnh An Giang), xe máy chở thuốc lá lậu chở thành từng tốp, từ 1- 4 giờ sáng. Còn tại tỉnh Long An, đoạn đường Quốc lộ 62, cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng vài trăm mét đến thị trấn Kiến Tường, xe máy chở buôn thuốc buôn lậu chạy rầm rầm, "chạy qua với tốc độ kinh hoàng dù phát hiện thấy chúng tôi chụp ảnh và quay phim". Thuốc lá lậu cũng được bán công khai ở khắp mọi nơi như chợ Châu Đốc, chợ Kiến Tường, chợ Tuyên Đốc cho đến chợ Học Lạc (TP. Hồ Chí Minh), "có trưng bày hay không trưng bày, nhưng muốn mua thuốc lá gì cũng có". Bên cạnh đó, trong 3 ngày đi thực tế, "tuyệt nhiên không gặp bất cứ lực lượng nào" đi kiểm tra, kiểm soát.
Số lượng vi phạm đã giảm, xử lý vi phạm "đã ấm dần lên"
Làm rõ vấn đề mà đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nêu, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết- tỉnh An Giang cho rằng, vấn đề chống buôn lậu là đặc điểm chung của các tỉnh biên giới, tỉnh An Giang luôn xác định đây là một trong những nội dung quan trọng trong điều hành. Tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt và tổ chức phối hợp thường xuyên các lực lượng công an, hải quan, biên phòng và lực lượng quản lý thị trường thông qua nhiều mô hình thích ứng, phản ứng nhanh. Tuy nhiên, do biên giới tỉnh An Giang tiếp giáp Campuchia dài 100km và hiện nay đang là mùa nước nổi nên nước tràn ngập các cánh đồng biên giới, làm phạm vi kiểm soát mở rộng hơn. Bên cạnh, đối tượng buôn lậu rất liều lĩnh, tinh vi và thủ đoạn, nhưng với quyết tâm không ngừng của các lực lượng nên đã nỗ lực kiểm tra, kiểm soát ngày đêm, không nề đến tính mạng và gian khổ nên đã tạo được sự chuyển biến rõ nét, năm sau kết quả cao hơn năm trước.
Đại biểu cho biết, qua số liệu 10 tháng năm 2017, số lượng vi phạm đã giảm 30%, giá trị hàng hóa bắt giữ tang vật tăng 44,5% so với cùng kỳ. Tang vật bị khởi tố trên 9 tỷ đồng, tăng 83,6% so với cùng kỳ. Thu gom, tiêu hủy thuốc lá là 783.707 gói thuốc lá. Thường trực Ủy ban Tỉnh cũng đã thường xuyên cùng các lực lượng đôn đốc, chỉ đạo để có giải pháp ứng xử kịp thời.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung: Trong năm 2016, tại Long An đã có 16.696 lượt kiểm tra và xử lý 3.929 trường hợp
Trao đổi thêm về vấn đề này, theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung- tỉnh Long An, "tình hình buôn lậu ở biên giới đặc biệt là buôn lậu thuốc lá ở Long An đúng là có nóng, diễn ra phức tạp nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, sự quyết tâm chỉ đạo của lãnh đạo địa phương cũng như có nhiều giải pháp thì vấn đề này tuy nóng nhưng đến thời điểm này đã được xử lý và đã ấm dần lên".
Đại biểu cho biết, trong năm 2016, tại Long An đã có 16.696 lượt kiểm tra và xử lý 3.929 trường hợp, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 12.000 lượt kiểm tra. Chỉ trong 6 tháng đã tiến hành kiểm tra, xử lý gần bằng số lượng năm 2016 và đã xử lý 2.125 vụ, giảm hơn 50% so với năm 2016. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt, trách nhiệm của cán bộ có trách nhiệm như cán bộ quản lý thị trường, kết hợp với biên phòng và người dân. Vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cũng đã tổ chức giám sát tình hình buôn lậu qua biên giới tại đường biên giới Đức Huệ - Long An và đã có sự tham gia của các huyện biên giới như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Kiến Tường và những huyện trung chuyển như Đức Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã tham gia giám sát.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, công tác chống buôn lậu của tỉnh Long An vô cùng gian nan, phức tạp, khi Long An có gần 130 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia với nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối ngỏ, có những đoạn đường là những cánh đồng bưng rộng lớn liền lạc và những cánh rừng bạt ngàn liên tục. Lực lượng quản lý, kiểm soát người và phương tiện qua biên giới cũng có lúc không đủ để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, đối tượng buôn lậu thuốc lá không những vận chuyển bằng phương tiện là xe gắn máy mà sử dụng cả phương tiện là ô tô vận chuyển với số lượng lớn và khi kiểm tra phát hiện, chỉ có thể tịch thu thuốc lá cũng như tạm giữ xe để xử lý hành chính. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình buôn lậu thuốc lá còn nóng như hiện nay.
Chính phủ cần sáng suốt, quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn nạn buôn bán thuốc lá lậu
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết: Việc giải quyết chống buôn lậu phải được triển khai đồng bộ ở các công tác
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định, nếu không tăng cường và chống tiêu cực thì buôn lậu sẽ còn gia tăng, nhất trong những dịp từ nay đến Tết Nguyên Đán. Đưa ra một số giải pháp gợi mở, đại biểu cho rằng, bên cạnh việc tăng cường chống buôn lậu thuốc lá thì cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đại biểu: "Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế vì cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình tôi cho là cần thiết, nhưng hiện tại thuốc lá sản xuất trong nước, loại rẻ nhất cũng khoảng 10.000đ/1 bao, trong khi đó thuốc lá lậu nhiều loại mà tôi mua ở trong túi này có 4.000đ. Vậy, việc tăng thuốc lá nhằm tăng giá trị thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu và trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả".
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc bán thuốc lá để tiêu thụ trong nước chưa biết thu về cho ngân sách Nhà nước được bao nhiêu nhưng cơ hội để hợp pháp hóa thuốc lá lậu mang lại tác hại vô cùng to lớn. Còn việc tái xuất "thì có khi chưa đến biên giới đã quay trở lại Việt Nam bởi rất nhiều loại thuốc lá chỉ sản xuất để thẩm lậu vào thị trường và tiêu thụ ở thị trường Việt Nam".
Còn theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, việc giải quyết chống buôn lậu phải được triển khai đồng bộ ở các công tác như tuyên truyền, giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Chính phủ cũng cần quan tâm, rà soát thêm các quy định xử lý vi phạm không còn phù hợp, quan tâm đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, tăng cường mở rộng thêm số lượng lực lượng, đầu tư thêm trang bị thiết bị chuyên dùng...