Việc triển khai thực hiện phân bổ, giao vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia được tiến hành rất chậm

31/10/2017

Ngày 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

Tại phiên thảo luận đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành với nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, phản ánh đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với nhìn nhận thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại, hạn chế cần được phân tích và nhận thức sâu sắc để có các giải pháp khắc phục và chuẩn bị cho mục tiêu kế hoạch năm 2018 phù hợp. Một trong số tồn tại đó là việc cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Trung ương trong thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia chưa được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả.

Bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với những đánh giá, nhận định của Quốc hội về chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình – tỉnh Lai Châu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước thời gian qua còn những hạn chế, bất cập nhất định làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai thực hiện. Đặc biệt, đối với các tỉnh miền núi là vùng sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số với nguồn ngân sách sử dụng chủ yếu dựa vào cân đối từ ngân sách Trung ương trong thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc.

Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình nhận định, việc triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 được tiến hành rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do giao kế hoạch vốn chậm. Về trình tự, thủ tục phải thực hiện qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian cho quá trình chuẩn bị đầu tư. một số nội dung như hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp chưa được các bộ chủ quản có hướng dẫn cụ thể, địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chủ động sớm giao kế hoạch thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia; Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thống nhất, sớm ban hành hướng dẫn chi tiết về nội dung và mức chi cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo áp dụng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm ban hành các hướng dẫn lập kế hoạch theo lộ trình 5 năm và hướng dẫn nội dung hỗ trợ sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả.

Đại biểu phân tích rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia được xác định là một trong những chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện phân bổ nguồn vốn cho thấy cũng chưa thực sự phù hợp với tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là 72.817 tỷ đồng, song năm 2016 mới bố trí trên 6.000 tỷ, năm 2017 bố trí 11.000 tỷ. Giai đoạn 2018 - 2020 còn lại số vốn là rất lớn, trên 55.000 tỷ. Trung bình mỗi năm phân bổ là 18.400 tỷ, trong đó, số vốn dự kiến bố trí năm 2018 cho chương trình là 11.000 tỷ. Như vậy, số vốn của chương trình sẽ dồn rất lớn vào 2 năm cuối nhiệm kỳ. Bình quân trên 22.000 tỷ đồng/năm, gấp đôi năm 2018, sẽ xảy ra tình trạng dồn nguồn, ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả nguồn vốn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, nâng số vốn dự kiến bố trí năm 2018 lên 15.000 tỉ đến 16.000 tỉ để đảm bảo hài hòa trong lộ trình phân bổ và thúc đẩy tối đa hiệu quả nguồn vốn.

Về dự toán ngân sách 2018,  đại biểu Quốc hội đề sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia, bố trí thu hồi tối thiểu 30% nợ xây dựng cơ bản và vốn ứng trước để đảm bảo hết 2020 trả hết nợ đọng và thu hồi vốn ứng theo số liệu Quốc hội đã quyết nghị, đảm bảo vốn đầu tư của ngân sách trung ương bố trí có mục tiêu không quá 30% theo quy định của Luật Ngân sách hỗ trợ cho địa phương, tăng vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, số vốn vay đã cam kết với nhà tài trợ đến năm 2020 số dự toán còn thiếu hoặc dư địa còn phải bố trí, đặc biệt là vốn vay cam kết ODA Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã có ý kiến với Chính phủ đề nghị Chính phủ báo cáo ngày 30/9 để có thể giám sát được nợ công.

Quan tâm về vấn đề bố trí kịp thời nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy – tỉnh Hoà Bình nêu rõ, để tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30a ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đề nghị Chính phủ làm tốt các nội dung sau: Thứ nhất, Chính phủ cần ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn. Cấp tỉnh quyết định các chính sách cụ thể phương thức thực hiện và phân khai ngân sách cho cấp huyện. Cấp huyện quyết định các hoạt động hỗ trợ hoặc công trình được đầu tư trên cơ sở đề nghị của cấp xã, cộng đồng dân cư.

Thứ hai, có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả, chuyển dần từ hình thức hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện hoặc có thu hồi để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Thứ ba, xây dựng quy trình giám sát và hệ thống chỉ tiêu, theo dõi chi tiêu chặt chẽ, bảo đảm vốn được sử dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có hiệu quả, không thất thoát. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng phải thực hiện nguyên tắc xã có công trình, dân có việc làm và thu nhập.

Thứ tư, trong các nguồn vốn hỗ trợ nguồn lực nhà nước luôn giữ vai trò quyết định, do đó Chính phủ nên ưu tiên và bố trí kịp thời nguồn vốn để thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho các địa bàn nghèo như huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để giúp họ thoát nghèo bền vững hơn.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho việc xây dựng mới các khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tái định cư, đầu tư xây dựng để có thể nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, nhất là những địa bàn dễ xảy ra lũ lụt, hạn hán, sạt lở do ảnh hưởng tác động xấu của biến đổi khí hậu, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Cùng chung ý kiến với đại biểu Quốc hội Bạch Thị Hương Thủy trong việc đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù những với những địa bàn dễ xảy ra lũ lụt, hạn hán, sạt lở do ảnh hưởng tác động xấu của biến đổi khí hậu, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Cảnh – tỉnh Bình Thuận nêu rõ, trước hậu quả nghiêm trọng và tính cấp bách do tác động xấu của biến đổi khí hậu. Đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn dự phòng cho các địa phương chịu thiệt hại nặng do ảnh hưởng thiên tai và biến đổi khí hậu, trong đó có Bình Thuận để đầu tư các công trình bức xúc, hạng mục xung yếu về thủy lợi phục vụ sản xuất, đồng thời xây dựng đê kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và chống xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra rằng, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp nên việc huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là hết sức cần thiết, nhưng khi địa phương triển khai Nghị định 15 của Chính phủ về hợp tác công tư thì gặp rất nhiều vướng mắc, thủ tục hành chính thì rườm ra. Việc xác định giá đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư rất khó khăn, lúng túng. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm rà soát và điều chỉnh nghị định trên cho phù hợp, khả thi để các địa phương thực hiện. 

Hồ Hương

Các bài viết khác