Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng khả quan, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017- 2018 tăng 5 bậc
Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%. Đã thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế tại tất cả các địa phương. Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5- 1%. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Tập trung chống thất thu Ngân sách nhà nước (NSNN), chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua. Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường; từng bước chấn chỉnh sai phạm trong sử dụng tài sản công. Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008 (ngày 20/10/2017 đạt 826,84 điểm); mức vốn hóa đạt trên 93% GDP; đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.
Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tăng 20%, trong đó rau quả tăng 43,4%, hạt điều tăng 25,6%, thủy sản tăng 19,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 41,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 29,7%; điện thoại và linh kiện tăng 23,6%. Nhập khẩu tăng 22,7%; xuất siêu 328 triệu USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Trong 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%; tổng vốn đăng ký tăng 43,5%; có trên 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 2,1 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và ngày càng tốt hơn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2017 - 2018 tăng 5 bậc, lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ảnh: Đình Nam
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%. Ban hành và chỉ đạo tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công và Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế.
Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; ban hành và triển khai nhiều Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ
Tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế. Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và Đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện tổng kiểm kê nguồn lực quốc gia. Quyết liệt xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thất thoát và đạt được kết quả bước đầu; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, chấn chỉnh trong toàn bộ hệ thống DNNN. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Việc chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi trồng khác, bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là nuôi tôm giá trị tăng khoảng 4,5 lần. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay có 38 đơn vị cấp huyện và 31,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra (31%).
Ban hành và triển khai nhiều Đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ; khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phát triển các ngành chế biến, chế tạo. Công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng; xuất khẩu điện thoại thông minh và phần mềm tăng mạnh (năm 2017 riêng xuất khẩu phần mềm ước đạt trên 3 tỷ USD); phổ cập wifi miễn phí ở nhiều trung tâm du lịch, thành phố lớn. Tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp đạt trên 56,1% (năm 2016 là 54,5%). Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực; tăng cường liên kết, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng. Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) năm 2017 ước đạt 44,1%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011 - 2015 (33,6%). Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9/2017 đạt 53,3 điểm, cao nhất trong ASEAN.
Các đại biểu Quốc hội tập trung xem xét Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV
Vẫn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về năng suất lao động, nợ công cao, việc xử lý nợ xấu, tình trạng buôn lâu, gian lận thương mại...
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao (năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực).
Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm (một số dự án công nghiệp và giao thông chậm tiến độ: các Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...). Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, tính đến cuối tháng 8 năm 2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,46%. Lũy kế từ khi hoạt động đến cuối tháng 7/2017, VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá mua (mệnh giá trái phiếu đặc biệt) là trên 261 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được trên 60 nghìn tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2017 đã xử lý được khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn hệ thống đã xử lý được trên 57 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế. Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra.
Tăng trưởng kinh tế khả quan, các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định... là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, theo tổng hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của các thành viên Ủy ban Kinh tế tại Phiên họp toàn thể vào ngày 17/10/2017, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15, một số ý kiến cho rằng, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực nhưng việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao. Chất lượng tăng trưởng cũng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân (GNI- chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia) ngày càng giảm, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài;sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững; tăng trưởng của năng suất lao động chủ yếu dựa vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ; chất lượng cuộc sống người dân có cải thiện nhưng chưa rõ ràng.
Đa số ý kiến cho rằng, với tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và các cân đối vĩ mô cơ bản ổn định, cần xem xét, điều chỉnh lại các giải pháp, chính sách đã đề ra. Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn như chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có giá trị gia tăng thấp sang ngành có giá trị gia tăng cao hơn, tiếp tục tạo ra thay đổi tích cực về thể chế, môi trường kinh doanh, chủ động điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn như phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% (so với chỉ tiêu khoảng 18% từ đầu năm), đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thúc đẩy tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh nợ xấu còn cao..., tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra,trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.
GDP năm 2017 ước đạt 6,7% vẫn là thách thức lớn
Đối với kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): GDP năm 2017 ước thực hiện đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4%-7,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo không còn nhiều dư địa để gia tăng, bên cạnh đó tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro còn phụ thuộc vào thời tiết.Ngoài ra, các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016, do vậy, Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm thực sự đạt được mức tăng trưởng 6,7%, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than, huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu:cần đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu 9 tháng và khả năng thực hiện những tháng cuối năm, nhất là của khối FDI, cũng như xu hướng nhập siêu đang tăng lên do thực thi lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế đã và đang tác động tới nền kinh tế nước ta.
Về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: đề nghị phân tích rõ hiệu quả đầu tư khi chỉ tiêu này trong năm 2017 lên tới 33,42% GDP, cao hơn so với Nghị quyết (31,5%GDP) và tăng 12,6% so với năm 2016. Đây là mức cao so với nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, một mặt thể hiện tính tích cực nhưng mặt khác thể hiện công tác dự báo chưa chính xác dẫn đến cân đối nguồn lực chưa hợp lý.Trong khi số chuyển nguồn năm 2016 sang 2017 khá lớn; năm 2017 nguồn vốn đầu tư công chậm cả trong khâu phân bổ cũng như giải ngân nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt kế hoạch thì cần phải giám sát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong những tháng còn lại nhằm bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước cũng như chất lượng dự án, công trình, tránh việc dồn vốn, co kéo giải ngân hết theo kế hoạch năm nhưng không đạt chất lượng, không bảo đảm hiệu quả.