Toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng IPU- 137

16/10/2017

Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Đại hội đồng IPU- 137, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng về chủ đề “Thúc đẩy đa dạng văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc” và có bài phát biểu quan trọng. Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng đăng tải toàn văn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân như sau:

Thưa Ngài Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới,

Thưa Ngài Tổng Thư ký,

Thưa Ngài Chủ tịch Đại hội đồng IPU 137,

Thưa các quý bà, quý ông,

Trước hết, cho phép tôi thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam gửi tới Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch IPU; Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU cùng các quý vị đại biểu tham dự lời chào trân trọng nhất. Tôi xin cảm ơn nước chủ nhà Liên bang Nga đã dành sự đón tiếp nồng hậu cho Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, từ khi chúng tôi đặt chân đến thành phố Saint Petersburg- trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và du lịch nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc cổ kính và lộng lẫy. Chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm tổ chức nhiều hội nghị quan trọng quốc tế và khu vực quan trọng của Hội đồng liên bang và Đuma quốc gia Liên bang Nga, Đại hội đồng IPU 137 sẽ thành công rực rỡ.

Thưa toàn thể các quý vị,

Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều cơ hội và thách thức với sự phát triển cho từng quốc gia, dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đang đem lại cho các quốc gia, các nền chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là những nền văn hóa, tôn giáo cơ hội đến gần nhau hơn để cùng phát triển. Nhưng thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo… thế giới không bình an. Ở một số nơi trên trái đất, đạn, bom vẫn nổ, bạo lực gia tăng, các công trình văn hóa bị hủy hoại, niềm tin tôn giáo bị xâm hại, hòa bình, an ninh trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tiễn cho thấy, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trong thế giới. Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới.

Với tinh thần đó, tôi đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng IPU 137 lần này và những bài phát biểu của các quý vị. Chủ đề lần này thể hiện sự tiếp nối tinh thần của tuyên bố Quebec về công dân, bản sắc và sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong thế giới toàn cầu được IPU thông qua năm 2012, phù hợp với tinh thần Bản Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO năm 2001. Điều có ý nghĩa to lớn là chủ đề này lại được thảo luận ngay tại một đất nước có một nền văn hóa lớn, lâu đời, một đất nước mà tinh thần đoàn kết dân tộc, khát vọng hòa bình, chống bất công đã được thắp sáng và đề cao bởi cuộc cách mạng Tháng 10 một trăm năm trước đây.

Thưa toàn thể quý vị!

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, các dân tộc, các tôn giáo đó chung sống hòa thuận vừa cùng nhau phát triển, vừa cùng nhau xây dựng nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, vừa gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc riêng về văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân tộc mình. Tinh thần đoàn kết, sự tôn trọng, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. 54 dân tộc của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực to lớn để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do và chủ quyền xây dựng đất nước phát triển bền vững ngày nay. Ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo đã được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.

Nhà nước Việt Nam luôn dành các chính sách hỗ trợ cho các dân tộc ít người để tạo điều kiện cho họ phát triển bình đẳng và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, niềm tin tôn giáo được tôn trọng và được tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, đồng thời thường xuyên giám sát hoạt động của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách quan trọng nhằm bảo đảm quyền được tham gia các hoạt động hợp pháp của mọi người dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại với các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam như: Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (2008, 2012), Hội nghị nữ giới phật giáo thế giới lần thứ 11 (2009), Hội nghị liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ 10 (2012)… Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, đối thoại, chia sẻ giữa các cá nhân và tổ chức tôn giáo khác nhau.

Thưa toàn thể quý vị!

Để thúc đẩy đa dạng, văn hóa và hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc, tôi xin nêu một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, đề nghị Liên minh Nghị viện khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cần tích cực rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, truyền bá sâu rộng tư tưởng khoan dung, tinh thần hợp tác, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo.

Thứ tư, tăng cường trao đổi hợp tác song phương, đa phương giữa các nước, các nghị viện trên các lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, dân tộc; cùng triển khai những dự án hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của những cuộc đối thoại đa văn hóa, đa tôn giáo trên toàn thế giới; nâng cao hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và phát triển.

Thứ năm, đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế với các Nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, các nền văn hóa trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên thế giới.

Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch và Toàn thể quý vị lắng nghe!

Cổng TTĐT Quốc hội