Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông

13/10/2017

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 15, chiều 13/10/2017, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; đại diện Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình tóm tắt số 423/Ttr- CP ngày 12/10/2017 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (sau đây gọi tắt là Dự án). Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ cơ sở pháp lý, những nội dung chủ yếu của Dự án và các kiến nghị. Khẳng định sự cần thiết việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Tờ trình nêu rõ, việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục; đồng thời là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.

Việc đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc. Mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách, từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và  phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương.

Căn cứ nhu cầu vận tải, quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến lộ trình đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn từ năm 2017-2020; giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn sau 2025. Phạm vi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 (dài 713 km) có quy mô rất lớn. Ngoài ra, mỗi dự án thành phần có nhu cầu vận tải, phương án tài chính, tiến độ chuẩn bị đầu tư, quy mô đầu tư khác nhau. Do vậy, phương án đầu tư kiến nghị tách thành 11 dự án thành phần. Toàn bộ 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020 đều đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường Dự án được lập trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần đã được phê duyệt theo quy định của Luật bảo vệ môi trường.

Ngay sau phần trình bày của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 . Theo đó,  Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án và khẳng định, đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ một số nội dung về phạm vi, quy mô và hướng tuyến của Dự án; về phương án đầu tư, hình thức đầu tư; về nguồn vốn đầu tư, phương án huy động vốn; về sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhu cầu sử dụng tài nguyên, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đánh giá tác động môi trường của Dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội. Cũng theo báo cáo, Dự án đã đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia. Hồ sơ Dự án bảo đảm danh mục tài liệu theo quy định của Luật Đầu tư công về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tại phiên họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết triển khai Dự án. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ trình ra Quốc hội, các ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ 8 vấn đề đã được Ủy ban Kinh tế đề cập đến trong Báo cáo thẩm tra. Đặc biệt, cần tập trung vào các nội dung như: nguồn vốn và phương án huy động vốn; hình thức đầu tư, loại hợp đồng dự án; mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ; về làn xe; lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc- Nam.

 Về mức giá dịch vụ, có ý kiến cho rằng, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) có thời hạn hợp đồng đến 24 năm nên giá sử dụng dịch vụ nếu quy định ngay tại thời điểm ký hợp đồng sẽ không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về quy mô đường cao tốc, xuất phát từ thực tế  hiện nay ở nước ta, một số đoạn đường cao tốc 4 làn nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, có ý kiến đại biểu đề nghị nên nghiên cứu kỹ để phân làn đường cho phù hợp.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh Hồ sơ và dự thảo Nghị quyết để Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra chính thức, nếu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Cổng TTĐTQH

Các bài viết khác