Sáng 18.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Tờ trình về Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên trình bày, nêu rõ: Việc xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) là cần thiết vì sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản đã bộc lộ nhiều hạn chế như: các văn bản pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai…đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhưng các quy định liên quan của pháp luật về khoáng sản chưa được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ; chưa có cơ chế xã hội hóa để huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, chưa quy định chặt chẽ về điều kiện cấp phép hoạt động khoáng sản và điều kiện chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản nên chưa ngăn chặn được tình trạng đầu cơ…
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền khẳng định: Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành về sự cần thiết ban hành Luật khoáng sản (sửa đổi). Nhưng để làm rõ hơn sự cần thiết phải sửa đổi Luật Khoáng sản và để Tờ trình có tính thuyết phục cao hơn, cần làm rõ vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của tài nguyên khoáng sản trong tình hình mới; những tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản hiện nay; quan điểm mới về quản lý hoạt động khoáng sản. Dự thảo Luật trình lần này có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng hơn, đã đề cập đến những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật hiện hành, bổ sung những quy định mà Luật hiện hành chưa đề cập tới. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc, xem xét tính khả thi của một số quy định về quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản, định giá khoáng sản, đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản…Về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên phân loại các quy hoạch thành: quy hoạch chung về thăm dò khoáng sản cả nước; quy hoạch chung về khai thác khoáng sản cả nước; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của các bộ chuyên ngành. Quy hoạch chung về thăm dò, khai thác khoáng sản của cả nước sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; còn Quy hoạch thăm dò, khai thác từng loại khoáng sản phục vụ cho sản xuất, chế biến và sử dụng khoáng sản do các bộ chuyên ngành (Bộ Công thương, Bộ Xây dựng…) lập. Việc giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch chung về thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về khoáng sản. Đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với đề nghị này và cho rằng, phải có một bộ chịu trách nhiệm lập quy hoạch chung, các bộ khác trên cơ sở quy hoạch chung đó xây dựng quy hoạch cụ thể trong lĩnh vực của mình, gắn liền với quy hoạch tổng thể.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh cho rằng, một trong những việc cần làm đầu tiên là xây dựng một chiến lược chung về khoáng sản trong thời gian dài để làm cơ sở cho việc quy hoạch khoáng sản. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, bổ sung những quy định trong việc xác định các khu vực tiến hành hoạt động khoáng sản bởi thực tế, ở những địa phương có khoáng sản được khai thác thì môi trường bị hủy hoại, cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp, đời sống của người dân bị ảnh hưởng… Cần có những quy định điều tiết nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương, để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và khắc phục những tổn hại môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích các doanh nghiệp, tổ chức với quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên được khai thác - Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng lưu ý.
Cơ bản tán thành với các quy định về quản lý nhà nước về khoáng sản, một số Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh, trách nhiệm quản lý nhà nước nên thống nhất tập trung một bộ, hạn chế tình trạng một lĩnh vực nhiều bộ quản lý. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản. Trước mắt, nên tập trung giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để lập lại trật tự trong hoạt động khoáng sản, sau đó mới phân cấp mạnh hơn cho các Bộ và địa phương. Việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn cho UBND cấp tỉnh như dự thảo Luật quy định là phù hợp, tuy nhiên thực tế vừa qua cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra của các bộ hầu như khoán trắng cho địa phương, dẫn đến việc cấp phép bừa bãi. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời tình trạng này - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu ý kiến. Một số Ủy viên UBTVQH đề xuất thêm, khi thăm dò, khai thác khoáng sản ở những khu vực trọng điểm quốc phòng, an ninh, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nên phối hợp, tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng để bảo đảm vấn đề an ninh quốc gia.
Chiều 18.3, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật Nuôi con nuôi và dự án Luật Bưu chính.
Về dự án Luật Nuôi con nuôi, đa số Ủy viên UBTVQH đồng thuận với hướng tiếp thu, chỉnh lý của Thường trực Ủy ban Pháp luật; khẳng định dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Theo quy định của dự thảo Luật, người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài bao gồm: chi phí cho việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận… Giải trình về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi là cần thiết, bởi đây là khoản tiền cá nhân phải nộp khi làm thủ tục xin nhận con nuôi. Pháp luật hiện hành cũng có quy định về lệ phí đăng lý nuôi con nuôi. Về phí, thực tế Công ước LaHay năm 1993 và pháp luật về nuôi con nuôi chưa có quy định về phí giải quyết việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, một số nước quy định về chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi quốc tế. Do vậy, dự án Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng có quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Cho rằng quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài trong dự thảo Luật còn khá mơ hồ, Chủ tịch HĐDT K’sor Phước, Chủ nhiệm Ủy Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng… đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán kỹ hơn về nội dung này, cụ thể là cân nhắc quy định này với tính nhân đạo, nhân văn của việc cho trẻ em làm con nuôi. Theo Trưởng ban Trần Thế Vượng, đối với chi phí giới thiệu trẻ em làm con nuôi, nếu không quy định chặt chẽ trong Luật sẽ rất dễ bị lợi dụng, thậm chí là biến tướng thành việc bán trẻ em. Đối với chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, làm thế nào để xác định được mức chi phí này? Thời gian từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận là bao lâu? Căn cứ nào để xác định các khoản chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian chờ thủ tục? Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị nếu chấp nhận việc phải có chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài thì cần quy định rõ trong Luật, không nên giao Chính phủ. Điều này nhằm bảo đảm tính minh bạch của Luật theo đúng tinh thần của Công ước LaHay. Trình bày quan điểm cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn: không quy định về chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài là tốt nhất.
Về dự án Luật Bưu chính, cơ bản tán thành với những nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị cần làm rõ các khái niệm khiếu nại và tranh chấp trong giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Đây là khiếu nại hành chính hay khiếu nại khi có tranh chấp giữa các bên do vi phạm hợp đồng dịch vụ?
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Bưu chính, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh nêu rõ: tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là khiếu nại về thương mại, chứ không phải khiếu nại hành chính giữa bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì đã vi phạm hợp đồng thì phải đưa ra Tòa án, chứ không có chuyện khiếu nại. Thực tế, khiếu nại là hoạt động mang tính chất hành chính. Mặt khác, dự thảo Luật quy định về giải quyết tranh chấp, nhưng thực chất nội dung lại là khiếu nại… Ban soạn thảo cần cân nhắc và làm rõ hơn về nội dung này.