Toàn cảnh Tọa đàm lấy ý kiến về ấn phẩm "Thuật ngữ pháp lý về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước"
Tham dự Tọa đàm còn có Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến; Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh; đại diện vụ pháp chế các Bộ, ngành ở Trung ương cùng các chuyên gia nhà khoa học pháp lý của các Viện, trường tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, việc nghiên cứu rà soát, tập hợp các thuật ngữ, từ ngữ pháp lý, giải thích chính thức trong hệ thống văn bản pháp luật mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội nói riêng và hiệu quả công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung.
Dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức biên soạn ấn phẩm các thuật ngữ pháp lý về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Ấn phẩm này sẽ phục vụ trực tiếp hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp góp phần bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành. Đồng thời, đây cũng là tài liệu phục vụ các bộ ngành trong hoạt động lập quy, phục vụ công tác nghiên cứu học tập.
Trưởng đại diện Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam Peter Girke cho rằng, những năm qua hệ thống pháp luật Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ. Tại mỗi kì họp Quốc hội, các đại biểu lại thảo luận cho ý kiến về nhiều văn bản pháp luật khác nhau từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước. Tuy nhiên trong hệ thống có những khiếm khuyết như sự thiếu nhất quán trong diễn dịch các thuật ngữ pháp lý gây ra khó khăn cho cán bộ trong lĩnh vực pháp chế. Trước thực tế đó, Trưởng đại diện Viện Konrad Adenauer bày tỏ tin tưởng, việc biên soạn ấn phẩm này sẽ hữu ích đối với những người làm việc trong các cơ quan của Quốc hội và cả với những người hoạt động trong các cơ quan bộ, ngành, các tòa án, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.
Giới thiệu sơ bộ về ấn phẩm, đại diện Ban biên tập ấn phẩm, Giám đốc Thư viện Quốc hội Trịnh Giáng Hương cho biết, ấn phẩm được thực hiện với mục đích phục vụ trực tiếp công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp, góp phần bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành về giải thích các thuật ngữ pháp lý. Với mục đích đặt ra, ấn phẩm không định nghĩa các thuật ngữ pháp lý dưới góc độ học thuật như những từ điển đã có trên thị trường, mà là tập hợp các giải thích chính thức trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hoặc các giải thích được biên tập dựa trên các quy định pháp luật có liên quan.
Nội dung của ấn phẩm không sa vào các thuật ngữ chuyên ngành của từng lĩnh vực mà chỉ đi vào những thuật ngữ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Ấn phẩm chỉ đưa ra khái niệm của các thuật ngữ được quy định trong các văn bản pháp luật và không đề cập đến những thuật ngữ pháp lý thường dùng trong khoa học nhưng không có trong văn bản quy phạm pháp luật.
PGS.TS Lê Minh Thông phát biểu tại Tọa đàm
Trao đổi tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của Ban biên tập trong việc rà soát, tập hợp một các công phu, toàn diện các thuật ngữ pháp lý liên quan đến tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Nội dung của ấn phẩm có sự chọn lọc, phân loại các nhóm thuật ngữ; được biên soạn tương đối công phu và trích dẫn nguồn rõ ràng. Ấn phẩm đã hướng tới nhiều đối tượng độc giả thuận tiện trong việc tìm hiểu về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh đó, góp ý về nội dung của ấn phẩm, các đại biểu cũng cho rằng Ban biên tập cần tham khảo thêm các từ điển luật học trong nước và quốc tế để bảo đảm giá trị khoa học bền vững của các thuật ngữ, sự thống nhất, sự chính xác trong giải thích các thuật ngữ. Cần xác định chính xác mục tiêu xây dựng ấn phẩm để có hướng xây dựng và thể hiện nội dung phù hợp đúng với mục tiêu đề ra. Đồng thời, đề nghị Ban biên tập trên cơ sở rà soát nhận thấy có cách hiểu khác nhau, quy định không thống nhất các thuật ngữ pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền có sự giải thích sao cho thống nhất, chính xác hoặc có hướng sửa đổi, bổ sung hợp lý.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, tiếp thu các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện ấn phẩm của các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, Ban biên tập tiếp tục hoàn thiện ấn phẩm theo hướng hệ thống hóa các quy định pháp luật, thống nhất về mục đích xây dựng ấn phẩm trở thành sản phẩm hữu ích đối với đại biểu dân cử. Ban biên tập sẽ xem xét bên cạnh xuất bản phẩm sẽ cho phát hành bản điện tử để mở rộng đối tượng tiếp cận ấn phẩm đồng thời tiếp nhận thêm nhiều ý kiến góp ý đển ngày càng hoàn thiện nội dung ấn phẩm.