Phiên họp thứ 29 UTVQH: Tán thành đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản

19/03/2010

Sáng nay, 18-3, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên tại phiên họp, phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi) được bổ sung, mở rộng đối với hoạt động chế biến khoáng sản (thường được gọi là chế biến sâu khoáng sản). Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH cho biết, đa số các ý kiến trong UB Kinh tế cho rằng, chế biến khoáng sản có nhiều công đoạn và có mức độ khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và trình độ công nghệ. Vì vậy, Luật chỉ nên điều chỉnh đến khâu phân loại, tuyển lựa, làm giàu khoáng sản sau khi thu được khoáng sản ở mỏ.

Vẫn theo Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, một số vấn đề của dự án Luật này liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; thẩm quyền lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, Thường trực UB Kinh tế đề nghị phân thành 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung về thăm dò khoáng sản cả nước, quy hoạch chung về khai thác khoáng sản cả nước, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của các bộ chuyên ngành. Hai loại quy hoạch trên do Bộ TN-MT lập, trình Chính phủ phê duyệt; loại thứ 3 do các bộ chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng...) lập.

Về thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, dự thảo Luật quy định, UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại các khu vự nhỏ lẻ đã được Bộ TN-MT khoanh định và công bố; được cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Các loại còn lại do Bộ TN-MT công bố. Đây là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị phân cấp mạnh hơn nữa việc cấp phép cho chính quyền cấp tỉnh. Ý kiến khác cho rằng, kim loại màu là nguồn tài nguyên quý hiếm cần quản lý tập trung; không giao cho địa phương cấp phép. Có ý kiến đề nghị không quy định khái niệm “khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ” chung chung, mà cần có danh mục khoáng sản và khu vực khoáng sản cụ thể (loại nào, ở đâu) rồi từ đó mới phân cấp cho địa phương...

Về đấu giá quyền thăm dò – khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tuy có ý kiến cho rằng quy định này không khả thi (Luật hiện hành đã có, nhưng thực tế không triển khai được), hoặc mang tính rủi ro cao song Thường trực UB Kinh tế và đa số ý kiến tán thành về mặt nguyên tắc với dự thảo, nhằm hướng tới mục đích quản lý chặt chẽ hoạt động khoáng sản trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những tiêu cực hiện nay.

Tuy nhiên, thường trực UBKT đề nghị Chính phủ làm thí điểm đấu gía tại một số khu vực và xây dựng quy chế đấu giá, làm rõ khái niệm “đấu giá quyền thăm dò, khai thác” chứ không phải là “đấu giá mỏ” và nhà đầu tư trúng đấu giá vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí trong hoạt động khoáng sản.

 

 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)

Các bài viết khác