Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hoạt động đối ngoại diễn ra cả trong và ngoài nước; các hoạt động đối ngoại ở nước ngoài thông qua hệ thống Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nên không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam mà còn tuân thủ các Công ước quốc tế liên quan; Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước sở tại và pháp luật nước sở tại. Do việc quản lý ngân sách nhà nước quy định quy trình quản lý, nên dự thảo Nghị định cần quy định chi tiết những nội dung về quy trình ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù của hoạt động đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: Đình Nam
Dự thảo Nghị định của Chính phủ gồm 4 Chương, 19 Điều, quy định phạm vi điều chỉnh quy định về thu và chi ngân sách nhà nước trong hoạt động đối ngoại; nhiệm vụ chi hoạt động đối ngoại của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách đối với một số hoạt động đối ngoại theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Nghị định không điều chỉnh các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước vì được thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ cao cấp và quy chế đặc thù của cơ quan có thẩm quyền. Đối tượng áp dụng là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại.
Một trong những nội dung cụ thể được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp là vấn đề quản lý, sử dụng số thu phí được để lại, quy định tại Điều 14 của Nghị định. Cụ thể: “ Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.”
Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các quy định của dự thảo Nghị định tương đối đầy đủ và phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước 2015. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo xem xét thêm về đối tượng áp dụng bao gồm cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý và sử dụng ngân sách trong hoạt động đối ngoại vì chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ thể này trong vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với hoạt động đối ngoại. Bên cạnh đó, Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa sự khác biệt, phân cấp rõ ràng tránh chồng chéo, trùng lắp giữa chi hoạt động đối ngoại của ngân sách trung ương và chi hoạt động đối ngoại của ngân sách địa phương.
Về vấn đề cụ thể xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách bày tỏ sự đồng tình cao với quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có quy định chi tiết, cụ thể hơn về phần phí thu để lại cho từng hoạt động cụ thể với tỉ lệ là bao nhiêu; cơ chế công khai, minh bạch phần phí thu để lại này như thế nào.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành Nghị định là hoàn toàn đúng thẩm quyền và cần thiết và nhất trí với đề nghị của Chính phủ tiếp tục được phép để lại một phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành.
Về nội dung của Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Nghị định cần làm rõ phí thực thu của ngành ngoại giao. Trong khi nguồn phí thu này ngày càng có xu hướng giảm thì việc phân bổ nguồn thu phí này được tiến hành như thế nào, phân theo các sứ quán hay phân bổ cho toàn ngành ngoại giao. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi, cơ cấu chi; cơ chế sử dụng công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá việc Chính phủ xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định là hoàn toàn phù hợp. Khẳng định ban hành Nghị định là cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng những quy định cụ thể của Nghị định sẽ giúp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách áp dụng trong lĩnh vực đối ngoại để tạo điều kiện một phần về kinh phí, chế độ cho cán bộ ngoại giao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhất trí với các quy định của Nghị định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tới đây trong khi sửa đổi Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, đề nghị Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính phải nghiên cứu thêm chính sách cụ thể để đảm bảo sự ổn định cho các cơ quan đại diện và các cán bộ hoạt động đối ngoại ở nước ngoài.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập quỹ tạm giữ để thu các khoản phí hoạt động ngoại giao. Tuy nhiên phải đảm bảo cơ chế quản lý quỹ này, không để tồn quỹ quá lớn, đồng thời được trừ đi chi phí quản lý sau khi thu, số còn lại sẽ được để lại một phần tùy vào tình hình cụ thể hàng năm. Tất cả các khoản thu và để lại này đều phải được dự toán và được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao lại cho Bộ Tài chính quy định cụ thể việc chi cho từng nội dung với tỷ lệ phù hợp trong khoản thu để lại này.