Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đo đạc và bản đồ

12/09/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, sáng 12/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày tờ trình  Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, đại diện Ban soạn thảo- Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ. Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và một số mục tiêu quan trọng khác.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất… Trong khi đó, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp; đồng thời để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, việc xây dựng và ban hành Luật đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ có bố cục gồm 9 chương, 63 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Việc xây dựng Luật bảo đảm quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế; nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ; tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra

Tại phiên họp, trình bày ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… phục vụ có hiệu quả hơn quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Đánh giá nội dung dự thảo luật đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ mà đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI và XII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020; đặc biệt là Nghị quyết 24- NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, nội dung của dự thảo Luật liên quan đến nhiều luật đã ban hành như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật đất đai… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của Dự thảo Luật với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, hoạt động đo đạc và bản đồ có tính chuyên ngành cao, do đó dự thảo Luật cần phải chỉnh sửa và bổ sung giải thích một số thuật ngữ cụ thể hơn để bảo đảm việc hiểu đúng và áp dụng thống nhất.

Cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp, các ý kiến phát biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và bản đồ cũng như các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường liên quan đến phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật; tên gọi của dự thảo Luật, các hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; hệ thống công trình hạ tầng đo đạc…; cho rằng hồ sơ dự án Luật Đo đạc và bản đồ đã được chuẩn bị công phu, chặt chẽ, tương đối đầy đủ và toàn diện, đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, có một số ý kiến nhận định, việc nâng cấp Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ lên thành Luật chỉ trong vòng hơn 1 năm chưa được lý giải một cách thuyết phục trong hồ sơ dự án Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đều đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung lập luận rõ hơn về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật.

Về chuẩn hóa địa danh trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc chuẩn hóa địa danh có vai trò quan trọng trong việc tránh sự tranh chấp về lãnh thổ, góp phần vào sự hội nhập quốc tế , bảo vệ thương hiệu hàng hóa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cũng đã có quy định về chuẩn hóa địa danh tại Điều 19, và quy định về triển khai chuẩn hóa địa danh tại Điều 20, nhưng không có quy định về nguyên tắc chuẩn hóa địa danh. Do vậy, cần bổ sung nội dung này cho phù hợp.                                                           

Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, đa số các ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế nói chung và hoạt động đo đạc và bản đồ nói riêng, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về các chính sách ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ; ưu tiên công tác xã hội hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần chú trọng chính sách ưu tiên đối với hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học, bởi khí hậu, môi trường có thể làm thay đổi địa hình những bản đồ mà chúng ta vẽ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Riêng các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, cấp giấy phép trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Bên cạnh đó, quy định cụ thể các quy định về chủ trương xã hội hóa trong hoat động đo đạc và bản đồ, tránh quy định chung chung.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đẩy đủ ý kiến thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay để hoàn thiện Hồ sơ dự án luật một cách kỹ lưỡng, đảm bảo kỹ thuật lập pháp và hình thức văn bản gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để tiến hành thẩm tra chi tiết trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới.

Thu Phương