Tham gia buổi tiếp và làm việc còn có đại diện Unicef, đại diện Ngân hàng thế giới, đại diện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cùng các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.
Bày tỏ vui mừng được làm việc với Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chia sẻ với vai trò là Ủy ban phụ trách trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và trẻ em, hiện tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đang phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để xây dựng một báo cáo đánh giá mang tầm hệ thống về toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam.
Để cập về những ý tưởng ban đầu để chuẩn bị báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2017- 2020, Ủy ban sẽ tập trung đánh giá về giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học) và giáo dục đại học (trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học) với định kỳ 2 năm 1 lần. Từ sau năm 2020 sẽ phấn đấu đánh giá đầy đủ tất cả các thành phần của giáo dục Việt Nam từ giáo dục mầm non, giáo dục sau đại học (cao học, nghiên cứu sinh) và giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho biết, hệ thống dữ liệu về giáo dục ở Việt Nam hiện còn phân tán, riêng lẻ, rời rạc; các chuyên gia chưa được đào tạo bài bản, ít kinh nghiệm trong công tác đánh giá và phân tích dữ liệu; đặc biệt, chương trình đánh giá chưa có sẵn một khung ngân sách được phê duyệt, do vậy rất cần sự hỗ trợ của UNESCO và các tổ chức thế giới. Đặc biệt là về đội ngũ chuyên gia, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm và phương pháp đánh giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Khẳng định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình hi vọng trong thời gian tới, Đề án này sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình từ UNESCO cũng như các tổ chức quốc tế, góp phần giúp Việt Nam có một tầm nhìn mới, cách tiếp cận mới về toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Trên cơ sở đó hình thành, xây dựng những chính sách giáo dục phù hợp với Việt Nam trong tình hình mới. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nêu rõ những ý tưởng, nguồn lực, sự giúp đỡ của UNESCO và các tổ chức quốc tế sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn hỗ trợ quốc tế về tài chính, kỹ thuật để phục vụ công cuộc xây dựng, hoàn chỉnh sản phẩm đánh giá này.
Trân trọng cảm ơn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã dành thời gian tiếp đón, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft đánh giá cao ý tưởng của Đề án xây dựng Báo cáo đánh giá toàn bộ hệ thống giáo dục của Việt Nam; cho rằng vấn đề giáo lục luôn là vấn đề trọng tâm với mọi quốc gia, nhất là với những quốc gia muốn chuyển mình sang nền kinh tế tri thức như Việt Nam.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft khẳng định, với tư cách là một thiết chế văn hóa- giáo dục toàn cầu, UNESCO sẽ nghiên cứu và nhanh chóng tổng hợp những ý kiến, bình luận mang tính chiến lược về vấn đề này gửi cho Ủy ban; cũng như sẵn sàng hỗ trợ về kinh nghiệm chuyên môn, hợp tác tổ chức những buổi làm việc sâu hơn, giúp Việt Nam xây dựng một báo cáo độc lập, chính thức đánh giá về toàn bộ hệ thống giáo dục trong nước.
Trao đổi tại buổi làm việc, Đại diện Ngân hàng thế giới và Đại diện Unicef cũng bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam thực hiện Báo cáo này. Đại diện Ngân hàng thế giới, bà Keiko Inoue- Điều phối chương trình phất triển nguồn nhân lực, vấn đề giới, việc làm của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức 1 sự kiện để quảng bá về Báo cáo giáo dục Việt Nam cũng như hỗ trợ về mặt kinh nghiệm, kỹ năng cho Việt Nam để xây dựng báo cáo này.