Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật hành chính công

18/08/2017

Sáng 18/8/2017, tại Phòng họp Tân Trào-Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật hành chính công.

Lần đầu tiên xem xét dự án Luật được xây dựng trên cơ sở sáng quyền lập pháp của một đại biểu Quốc hội

Trình bày Tờ trình về dự án Luật hành chính công, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định một số nguyên tắc lớn trong quản lý hành chính nhà nước…Tuy nhiên, trong quản lý điều hành nền hành chính từ trung ương xuống địa phương, cơ sở, còn nhiều các nguyên tắc chung rất cần thiết mà chưa được quy định ở luật nào như: Quy định và thực hiện thủ tục hành chính, phối hợp liên ngành, liên vùng, liên thông, quản lý địa bàn giáp ranh… Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy với việc xây dựng các luật chuyên ngành như hiện nay không thể tránh khỏi tình trạng các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Vì vậy ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại sự tùy tiện trong ban hành thủ tục hành chính, tự đặt ra các thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền; mang nặng cơ chế quản lý cũ, nặng về “xin - cho”; cơ quan quản lý dành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Mặt khác, quá trình xây dựng, thực thi pháp luật hành chính công còn nhiều bất cập liên quan đến các nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành; thủ tục hành chính; quản lý dịch vụ công; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công; cải cách hành chính. Vì vậy xây dựng dự án Luật hành chính công sẽ góp phần khắc phục những bất cập trên trọng xây dựng, thực thi pháp luật hiện nay.

Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật, Ủy viên thường trực UB KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật hành chính công

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng và các Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 4 và thứ 5 (khóa 12); cụ thể hóa các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 về quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để Nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công, góp phần hội nhập quốc tế, phòng chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Trên cơ sở đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.

Dự thảo Luật ngày 17/7/2017 được bố cục thành 7 Chương, 54 điều với nội dung cơ bản và mới so với pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật quy định về hành chính công gồm nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.

Tại phiên họp, trình bày ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật hành chính công Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật hành chính công là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Các ý kiến đều đánh giá cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội là Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật bởi đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước nước.

Qua nghiên cứu dự án Luật hành chính công, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự án Luật này xây dựng trong bối cảnh hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hành chính đã tương đối đầy đủ, trong khi nội dung quy định trong dự thảo Luật mới chỉ mang tính khái quát, liệt kê, quy định chung chung, không xác định rõ vấn đề cần điều chỉnh, không rõ đối tượng phải áp dụng, không chỉ rõ nội dung nào cần quy định chi tiết. Nội dung dự thảo Luật chưa đưa ra được những nội dung, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, làm cơ sở cho việc thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự án Luật          Ảnh: Đình Nam

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo trong thời gian tới cần khẩn trương rà soát tổng thể các quy định của hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hành chính nhà nước nói chung, của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nói riêng để đánh giá một cách đồng bộ, xác định rõ những bất cập, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của nền hành chính, từ đó xác định rõ sự cẩn thiết, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời, cần tiếp tục tập trung đầu tư hơn nữa các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ dự án để nâng cấp dự án Luật bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền hành chính nước ta.

Đề xuất rà soát phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội cũng như hoan nghênh và ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong thời gian vừa qua đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và trí tuệ để xây dựng hồ sơ và xây dựng dự án luật này để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây là một dự án luật khó, lớn, phức tạp với một nội hàm rất rộng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo phải xác định phương pháp luận, tư duy rõ ràng và nhất quán để chọn vấn đề đưa vào trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật để tránh trùng lắp, chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết phải ban hành Luật hành chính công. Theo đó, làm rõ các lý do của sự cần thiết ban hành luật để bảo đảm tính thuyết phục. Các phân tích về sự cần thiết phải bám sát vào các vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu về nền hành chính quốc gia, về nền công vụ, công chức. Phân tích về sự cần thiết ban hành Luật hành chính công cần có sự gắn kết giữa các lý do với nhau để làm rõ sự cần thiết, cấp bách phải ban hành luật.

Về nội dung của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nội dung quy định tại mỗi chương, mỗi điều cần phải bao quát để đảm bảo tính cụ thể và sự gắn kết để làm rõ mục tiêu cần đạt tới là gì. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ các nội dung cơ bản cần thiết đưa vào dự luật để không trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của các luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời thể hiện rõ được tính đặc thù của dự án luật này. Các quy định của dự thảo luật cần phải thể hiện được hết các nội dung của hành chính nhà nước và cụ thể hóa được các vấn đề cần thiết để xác định tính chất, vị trí của luật này sẽ luật khung hay luật chuyên ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, sự cần thiết ở đây không phải việc ban hành luật này mà cần áp dụng hiệu quả một số nội dung có tính khuyến nghị của luật vào thực tiễn điều hành quản lý của bộ máy nhà nước như làm tốt dịch vụ công, cơ chế một cửa, Chính phủ điện tử… Đồng thời cho rằng, dự án Luật đề cập đến một số nội dung hiện nay mới chỉ có quy định của Chính phủ, chưa có luật như cơ chế một cửa liên thông, Chính phủ điện tử thì về lâu dài những nội dung này có thể nên nghiên cứu luật hóa để quy định thành luật. Ban soạn thảo có thể cân nhắc để thu hẹp phạm vi sửa tên luật, đi sâu vào các nội dung này để bảo đảm tính cụ thể, khả thi.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lại cho rằng, nếu tư duy hành chính công đã có trong bộ máy, có hành chính trong kiểm toán, có hành chính trong tài chính nên không quy định là không phù hợp trong bối cảnh thế giới thay đổi vô cùng nhanh chóng. Do đó, cần thiết phải có luật này bởi cần tư duy mới, từ cách nhìn nhận mới, từ khát vọng vươn lên đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề ra những nội dung cụ thể đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát để đưa vào nội dung dự thảo luật cho phù hợp; cân nhắc các ý kiến bước đầu của Ủy ban Pháp luật về việc đề nghị nghiên cứu thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật theo hướng tập trung điều chỉnh đối với một hoặc một số vấn đề của nền hành chính mà chưa được quy định trong các luật khác, nhưng phải bảo đảm xây dựng các quy phạm thực chất, cụ thể, chi tiết, để có thể áp dụng được trên thực tế. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến chính thức về dự án luật này để làm cơ sở cho Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý một bước, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án luật trước khi tiếp tục trình xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tiếp theo. 

Bảo Yến