Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

17/08/2017

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chiều 17/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017) Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) theo Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã cho nhiều ý kiến về những nội dung cụ thể và đa số đại biểu đề nghị dự án Luật này nên được xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và có báo cáo hoàn thiện, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) về 16 vấn đề cụ thể gồm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, hình thức tố cáo, đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh), thời hiệu tố cáo, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo, điểm dừng trong giải quyết tố cáo, mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức, việc xử lý thông tin, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua báo chí, quy định nội dung quản lý nhà nước trong giải quyết tố cáo, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác giải quyết tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm.

Cân nhắc mở rộng hình thức tố cáo

Theo báo cáo, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định 02 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử như nhiều ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định. Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi.

Tuy nhiên, trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng dự thảo Luật tuy có tiếp thu một phần ý kiến đại biểu Quốc hội nhưng còn chưa rõ ràng, vẫn chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu sửa đổi Luật; bởi vì, vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết. Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi)           Ảnh: Đình Nam

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, xu thế ứng dụng công nghệ thông tin với tình hình mới như hiện nay mà chúng ta chỉ giữ 2 hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp mà không chấp nhận việc thông qua điện thoại, fax và thư điện tử, là vấn đề phải cân nhắc. Nếu như vậy, chúng ta vẫn đứng ngoài cuộc của sự đổi mới về công nghệ thông tin. Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, phải chăng chúng ta vẫn chấp nhận, nhưng chấp nhận những đơn thư tố cáo phải có đầy đủ địa chỉ và căn cứ pháp lý, nếu không có hình thức này sẽ khó thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Bảo đảm tính khả thi của quy định về bảo vệ người tố cáo

Tại kỳ họp thứ 3, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về bảo vệ người tố cáo của dự thảo Luật còn chung chung, mang tính hình thức, chưa có quy định cụ thể về: đối tượng được bảo vệ, cơ quan bảo vệ, thời hạn bảo vệ, biện pháp bảo vệ, trình tự thủ tục bảo vệ, kinh phí bảo vệ... Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ thiết kế lại tổng thể Chương VI về bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tố cáo, theo đó Chương VI của dự thảo Luật gồm 3 mục về quy định chung, trình tự, thủ tục bảo vệ và các biện pháp bảo vệ.

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật lại cho rằng quy định của dự thảo Luật có phạm vi quá rộng, cả về lĩnh vực, biện pháp và đối tượng được bảo vệ, không phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội ở nước ta, không có tính khả thi, do đó cần rà soát về các nội dung nêu trên nhằm khắc phục tình trạng quy định chồng chéo, trùng lặp với quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính… Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, có đánh giá tác động toàn diện và sâu sắc hơn, có các hoạt động khảo sát thực tế, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để có quy định phù hợp hơn về trách nhiệm của cơ quan chủ trì thực hiện và các cơ quan có trách nhiệm phối hợp nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật và tạo sự đồng thuận cao. Hơn nữa, về căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực trạng tình trạng tố cáo sai là phổ biến (chiếm tỷ lệ khoảng 60% số vụ tố cáo), do đó việc quy định trường hợp được bảo vệ và biện pháp được áp dụng cần phải rất chặt chẽ nếu không sẽ bị lạm dụng và mục đích việc bảo vệ người tố cáo không đạt được.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị phải cân nhắc hết sức kỹ ý kiến của Ủy ban Pháp luật đối với quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, quy định mở rộng nhưng phải khả thi, nếu không sẽ dễ bị lạm dụng và không thực hiện được.

Ngoài ra, tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc và không nên đưa đối tượng những người đã thôi không còn làm cán bộ, công chức, về hưu hoặc chuyển ra ngoài công tác khác đó vào trong Luật mà nên đưa vào dự thảo Luật công chức, viên chức điều chỉnh trong thời gian tới để bảo đảm phù hợp với giải thích từ ngữ, phạm vi điều chỉnh.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, một yêu cầu của việc sửa đổi luật là giải quyết được những vấn đề vướng mắc của thực tế của công việc giải quyết tố cáo như thời hiệu, tố cáo mạo danh, nặc danh, vấn đề bảo vệ người tố cáo, điểm dừng hay không có điểm dừng của việc giải quyết tố cáo… Về các nội dung cụ thể như hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh, mạo danh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị để mở các phương án để tiếp tục nghiên cứu thảo luận, trao đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan cố gắng tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội nhưng phải có lý lẽ, thực tế, có cơ sở khoa học, đồng thời phải nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong giải quyết các vấn đề này, để cuối cùng có một dự án luật khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới và thông qua tại kỳ họp thứ 5 phải bảo đảm đáp ứng được mọi yêu cầu.

Bảo Yến

Các bài viết khác