Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam; đại diện Thường trực các Ủy ban của QH và một số bộ, ngành có liên quan.
Trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Phương Nam cho biết, luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết.
Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) gồm 7 chương, 45 điều (giảm 02 Chương, 06 Điều so với Luật Quốc phòng năm 2005 quy định về Những quy định chung; nội dung cơ bản về hoạt động quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng.
Theo Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo Luật, tuy nhiên cho rằng, dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, cần được rà soát và cân nhắc kỹ theo hướng: hạn chế việc ủy quyền lập pháp, nhất là không giao Chính phủ quy định những biện pháp thi hành hoặc những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên xây dựng theo hướng là luật khung, theo đó chỉ quy định có tính nguyên tắc những vấn đề quan trọng, cơ bản nhất về quốc phòng, không nên nhắc lại nhiều nội dung của các luật đã ban hành, làm cơ sở để tiếp tục cụ thể hóa trong các luật như: Luật Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển, Luật Công nghiệp quốc phòng…Đồng thời, không nên quy định tại dự thảo Luật nhiều nội dung về bảo đảm an ninh, trật tự để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, cần nghiên cứu, kế thừa những quy định còn phù hợp với Luật Quốc phòng hiện hành.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm “thu thập, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, phát tán trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc danh mục bí mật nhà nước về quốc phòng” tại khoản 5 để tránh chồng chéo với Điều 337 Bộ luật Hình sự, đồng thời thống nhất với các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cùng được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Có ý kiến đề nghị cân nhắc hành vi cấm “trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ” tại khoản 6 vì cho rằng, các hành vi này đã được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) năm 2015 và khoản 2 Điều 16 Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
Về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương, một số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc quy định Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành, trung ương “làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, gồm chỉ huy trưởng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu, chính trị viên, chỉ huy phó, chính trị viên phó” để tránh chồng chéo với khoản 1 Điều 23 Luật Dân quân tự vệ, đồng thời không nên quy định về tổ chức bộ máy nhà nước trong dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng việc sửa đổi Luật Quốc phòng 2005 là cần thiết, nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và phù hợp với Hiến pháp 2013. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo để hoàn chỉnh dự án luật trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.