Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang có chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Meira Kumar. Nhân dịp này, hãng thông tấn Express Ấn Độ đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ, những kinh nghiệm thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiều nội dung khác.
PV: Chủ tịch Quốc hội đánh giá vị trí, vai trò của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống rất lâu đời, được xây đắp bởi mối liên hệ về văn hoá, thương mại, tôn giáo từ lâu. Và trong thời gian hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước. Các thế hệ nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, ngày nay trở thành mối quan hệ truyền thống, hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá thì chúng tôi phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng tôi tiến hành nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, mở cửa hội nhập. Hiện nay đã có vị thế và tiếng nói rất quan trọng trong khu vực và nhiều diễn đàn của thế giới. Vì vậy, chúng tôi luôn coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược, một nhân tố không thể thiếu trong điều kiện thế giới đang phát triển như hiện nay.
PV: Chủ tịch Quốc hội vừa mới đề cập tới kinh tế thị trường. Vậy kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường như thế nào ?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Chúng tôi gọi là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hoá, rồi tiến lên nền kinh tế thị trường đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển, với nhiều mô hình khác nhau. Ngay trong thời hiện đại này cũng có mô hình kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội, kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa theo kiểu Trung Quốc.
Việt Nam gọi là kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là một kiểu kinh tế thị trường, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa phải theo định hướng của Chủ nghĩa Xã hội. Có nghĩa là trong khi chú ý tăng kinh tế thì phải hết sức coi trọng vấn đề xã hội, bảo đảm vấn đề công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo. Phấn đấu để có nhiều người giàu, nhưng cũng hạn chế tối đa và đi đến xoá bỏ tình trạng đói nghèo trong nhân dân. Chăm lo cho người có công, gia đình neo đơn, khó khăn, cơ nhỡ.
Chúng tôi nói kinh tế thị trường của Việt Nam không phải kinh tế thị trường tự do, nhưng cũng chưa phải là kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa. Nghĩa là chúng tôi đang ở giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển đổi. Đòi hỏi phải giải quyết rất tốt mốt quan hệ cung cầu, quy luật giá trị với định hướng bằng kế hoạch, chính sách, chiến lược của nhà nước. Phải giải quyết tốt mối quan hệ thứ hai là tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Phải giải quyết mối quan hệ thứ ba là trong khi chú ý mở cửa hội nhập, thì vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, làm tốt công tác môi trường.
Đây là nhân tố bảo đảm cho phát triển bền vững và cũng là nhân tố bảo đảm cho định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Trên thực tế, vừa qua chúng tôi đã thực hiện có hiệu quả bước đầu. Đặc biệt vấn đề chăm lo chính sách xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo. Trước đây, chúng tôi có tới 48% số hộ nghèo, nhưng giờ còn trên dưới 10%. Đây là nhân tố bảo đảm cho Chính phủ của chúng tôi, chế độ của chúng tôi, xã hội và chế độ chính trị của chúng tôi ổn định.
PV: Chủ tịch Quốc hội vừa đề cập tới phản ứng hay là sự đáp lại của người dân. Vậy thì Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá như thế nào, Đảng có hài lòng với những gì đã đạt được hay không ?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Tất cả những định hướng của chúng tôi thực hiện về kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa vừa qua đã vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động, mang lại lợi ích cho nhân dân, nên được người dân đồng tình ủng hộ. Chúng tôi cho đây là một thành công của công cuộc đổi mới trong hơn 20 năm qua. Về mặt thực tiễn thì rõ ràng đất nước chúng tôi từ chỗ nghèo nàn lạc hậu, đến giờ đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Từ chỗ chúng tôi làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, bây giờ hàng hoá tràn ngập thị trường của chúng tôi. Từ chỗ khép kín, hiện Việt Nam mở cửa quan hệ rộng lớn với tất cả các nước trên thế giới. Chúng tôi quan hệ ngoại giao với 177 nước và quan hệ với các tổ chức kinh tế thương mại là 224. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Còn về mặt lý luận thì chúng tôi cũng đánh giá đây là bước bổ sung, phát triển của chúng tôi về lý luận kinh tế thị trường của Mác trước đây và của nhiều nhà kinh tế học trên thế giới.
PV: Chủ tịch Quốc hội vừa nói về kinh tế tự do. Vậy Chủ tịch có nghĩ rằng, đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có hệ thống đa đảng hoặc có các đảng khác ngoài Đảng cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. Ví dụ như Việt Nam có Uỷ ban Dân tộc để giải quyết vấn đề này?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Chúng tôi quan niệm là kinh tế và hệ thống chính trị bao giờ cũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng tôi chủ trương phát triển kinh tế đồng thời cũng đổi mới từng bước hệ thống chính trị một cách vững chắc cho phù hợp. Và đã rút ra kinh nghiệm là đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị. Thực tiễn các bạn thấy là đất nước chúng tôi về chính trị xã hội ổn đinh, nhân dân được làm chủ. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ. Các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện và giám sát xã hội, đất nước vẫn đang phát triển, đang đi lên. Từ thực tế thì thấy là chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất.
Hiện nay, tôi được biết là trên thế giới, dư luận cũng rất quan tâm là tại sao Việt Nam chỉ có một Đảng lãnh đạo, một đảng lãnh đạo thì có dân chủ không, tại sao lại không thực hiện chế độ đa đảng. Vấn đề này thì ý kiến tranh luận khác nhau. Nhưng riêng tôi thì tôi nghĩ không phải là nhiều đảng thì nhiều dân chủ hơn, hai đảng có ít dân chủ hơn, mà một đảng thì lại có ít dân chủ nữa. Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất.
Tôi không phản đối và cũng không định kiến với các nước có chế độ đa đảng. Thậm chí có nước có vua, có nước có Thủ tướng, có nước không có Thủ tướng, có nước có Tổng thống lại có cả Thủ tướng. Mỗi nước có một mô hình tổ chức khác nhau và tôi rất tôn trọng.Tôi nghĩ cũng không nhất thiết là kinh tế thị trường thì phải đa đảng. Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng. Ít nhất là cho đến bây giờ.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội!./.